Xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung: Nhiều địa phương không hoàn thành nhiệm vụ
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, kiên quyết đến cuối năm 2019 mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một cơ sở, nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh rất khó khăn, từ việc tìm kiếm nhà đầu tư cho đến duy trì cơ sở đã xây dựng.
Ngày 18.9.2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các cơ sở giết mổ động vật (GMĐV) tập trung, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, kiên quyết đến cuối năm 2019, mỗi huyện, thị xã có ít nhất 1 cơ sở GMĐV tập trung hoạt động. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có TP Quy Nhơn xây dựng 2 cơ sở GMĐV tập trung, huyện Hoài Ân đang xây dựng 1 cơ sở, còn các địa phương khác vẫn chưa có cơ sở nào.
DN và chính quyền cùng kêu “khó”
Trong số 2 cơ sở GMĐV tập trung trên địa bàn TP Quy Nhơn, chỉ có cơ sở GMĐV tập trung tại phường Nhơn Bình hoạt động hiệu quả, còn cơ sở tại phường Trần Quang Diệu của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định rất ít khách hàng. Sau hơn 2 tháng hoạt động, tình hình vẫn rất bi đát. Ông Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty, cho biết: Cả nhà máy to lớn như thế này mà mỗi đêm chỉ giết mổ được 20 - 30 con heo của 1 - 2 khách hàng ở phường Trần Quang Diệu và xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước đưa đến, thu không đủ bù chi phí. Bị thua lỗ nặng, tôi đã nhiều lần báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn cùng ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ nhưng đến nay vẫn chưa được gì.
Cơ sở giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn được đầu tư bài bản nhưng có rất ít người đưa heo đến giết mổ.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn rà soát, bố trí sắp xếp, đưa các hộ hành nghề GMĐV nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố vào các nhà máy đã xây dựng sao cho hợp lý, cố gắng tránh sự chênh lệch lớn về khách hàng giữa các cơ sở; huyện Tuy Phước đã triển khai phương án xóa bỏ các lò GMĐV nhỏ lẻ trong khu dân cư, đưa gia súc đến cơ sở GMĐV tập trung tại phường Trần Quang Diệu để giết mổ, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Mặt khác cũng cần thấy rằng, đưa gia súc đến mổ ở đâu là quyền của tiểu thương, không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính can thiệp được.
Ngày 13.2, báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Việc xóa bỏ cơ sở GMĐV nhỏ lẻ trong khu dân cư và vận động người dân đưa heo đến cơ sở GMĐV tập trung ở phường Trần Quang Diệu gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều vấn đề, như: Cơ chế chính sách, nguồn kinh phí tổ chức thực hiện, phí hỗ trợ GMĐV…
Hoài Nhơn là huyện có nhiều cơ sở GMĐV nhỏ lẻ ở khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhưng việc triển khai xây dựng cơ sở GMĐV tập trung gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Hoài Nhơn cũng đã quy hoạch 3 điểm để xây dựng cơ sở GMĐV tập trung tại thị trấn Bống Sơn, Hoài Thanh Tây, Hoài Châu Bắc, nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào đăng ký đầu tư. Các điểm quy hoạch đều rất thuận lợi cả về giao thông, vận chuyển, phân phối và tiêu thụ. Ngoài chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện Hoài Nhơn còn có nhiều ưu đãi khác, như cho DN thuê mặt bằng với giá thấp, hỗ trợ thêm phí vận chuyển, phí giết mổ. Nhưng đến nay không nhà đầu tư nào dám rót vốn vì sợ thua lỗ. Trong năm nay, chúng tôi sẽ xúc tiến thành lập một vài HTX hoạt động GMĐV tập trung tại các địa phương đã có quy hoạch, vận động các hộ GMĐV nhỏ lẻ đưa gia súc đến cơ sở GMĐV tập trung để giết mổ”.
Tương tự, TX An Nhơn đã quy hoạch 3 điểm để xây dựng cơ sở GMĐV tập trung tại xã Nhơn Lộc, phường Nhơn Thành và phường Nhơn Hưng nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào đầu tư. Còn huyện Phù Cát thậm chí chưa chọn điểm quy hoạch xây dựng cơ sở GMĐV tập trung. Trả lời câu hỏi liên quan đến việc xây dựng các cơ sở GMĐV tập trung của PV, các địa phương khác đều kêu “khó”.
Không được thoái thác trách nhiệm
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, sở dĩ các DN không muốn tham gia vì sợ xây dựng xong sẽ không có người đưa gia súc vào giết mổ. Hơn nữa tâm lý của người dân là nếu đưa gia súc vào cơ sở GMĐV tập trung thì sẽ không tiêu thụ được gia súc đã chết hoặc bị bệnh, bởi các các cơ sở này quản lý chặt về nguồn gốc gia súc, kiểm soát nghiêm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, dù chính quyền và các ngành ở địa phương biết rõ việc GMĐV tại nhà tiềm ẩn nhiều hệ lụy nhưng chưa quyết tâm thu hút đầu tư và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh.
Trong vấn đề đầu tư xây dựng và đưa gia súc vào giết mổ tại các cơ sở GMĐV tập trung, chính sách của tỉnh rất thông thoáng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định: Thực tế tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho DN xây dựng cơ sở GMĐV tập trung, hỗ trợ phí GMĐV... UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT, UBND TP Quy Nhơn hỗ trợ, giúp đỡ Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định duy trì hoạt động GMĐV tập trung; các huyện Tuy Phước, Vân Canh phải tích cực hơn trong vận động người dân đưa gia súc đến cơ sở GMĐV tập trung tại phường Trần Quang Diệu để giết mổ. Các địa phương khác tiếp tục kêu gọi DN đầu tư xây dựng cơ sở GMĐV tập trung. Chính sách tốt, kinh phí hỗ trợ không thiếu, các địa phương ngại khó khăn, viện hết lý do này đến lý do khác là thoái thác nhiệm vụ và trách nhiệm.
PHẠM TIẾN SỸ