Các hiện vật điêu khắc đất nung Champa của Bình Ðịnh: Độc đáo, hiếm & chờ được nghiên cứu
Những năm gần đây, Bảo tàng Bình Ðịnh được nhiều bảo tàng trong và ngoài nước mời phối hợp trưng bày bộ sưu tập điêu khắc Champa mà bảo tàng đang sở hữu. Ðáng chú ý, với những phát hiện mới đây, loại hình điêu khắc đất nung - đặc trưng di sản văn hóa Champa Bình Ðịnh - được quan tâm nhiều hơn.
Hệ thống di sản văn hóa Champa ở Bình Định phong phú, đa dạng bao gồm: Kinh đô, thành lũy, đền tháp, cảng thị và các trung tâm sản xuất gốm. Kiến trúc - điêu khắc Champa Bình Định được định danh là phong cách Tháp Mẫm còn gọi là phong cách Bình Định.
Vô tình bỏ qua điêu khắc đất nung
Ở phong cách Tháp Mẫm, chất liệu đá được sử dụng nhiều trong kiến trúc và điêu khắc, như: Ốp bó chân tháp, điêu khắc trang trí từ chân, cửa, diềm, mái đến đỉnh tháp và hệ thống tượng thờ, tiêu biểu như tháp Đôi, tháp Dương Long. Trong đền tháp Champa, điêu khắc giữ một vị trí quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá được tìm thấy với số lượng lớn, mang giá trị nghệ thuật cao đã thu hút hầu hết sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Và nhiều người vô tình bỏ quên tác phẩm điêu khắc đất nung.
Các tác phẩm điêu khắc đất nung Champa Bình Định thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan Bảo tàng. Ảnh: ĐỨC LINH
Với hàng ngàn hiện vật điêu khắc Champa được đưa về lưu giữ, chủ yếu từ các cuộc khai quật khảo cổ các di tích và phế tích Champa trong những năm qua, có thể khẳng định, Bảo tàng Bình Định là nơi lưu giữ nhiều hiện vật điêu khắc Champa nhất chỉ sau sau Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ở Bình Định, những năm gần đây từ các cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã tìm thấy khá nhiều tác phẩm điêu khắc đất nung Champa, tập trung ở các huyện: Tây Sơn, Tuy Phước, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn. Loại hình điêu khắc bằng đất nung đều được tìm thấy từ trong lòng đất và có kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với các tác phẩm điêu khắc đá cùng loại.
Ngoài các vật trang trí ở các góc tháp, các cửa giả cùng một đề tài mây lửa nhưng được diễn tả cách điệu bằng rất nhiều cách khác nhau được tìm thấy rất nhiều, còn có nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo khác liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như mặt kala, phù điêu người cầu nguyện và tu sĩ, phù điêu sư tử, tượng thần hộ pháp, đầu tượng Phật, đầu tượng thần Visnu, tượng bò thần Nandin, Ganesa, voi, ngựa, nai, chim công... Dạng hiện vật trên đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, một số khác nằm trong các sưu tập của tư nhân.
Nên nghiên cứu toàn diện, đầy đủ hơn
Kết quả khai quật khảo cổ các di tích và phế tích Champa ở Bình Định đều tìm thấy hiện vật điêu khắc đất nung, tập trung nhiều nhất ở tháp Dương Long (Tây Sơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), thành Cha (An Nhơn), phế tích Bàu Sen (Tây Sơn), đáng chú ý ở phế tích Lai Nghi (thôn 1, Bình Nghi, Tây Sơn) khảo cổ học đã phát hiện 383 hiện vật đất nung, trong đó có 17 hiện vật nguyên gồm tượng đầu tu sĩ, mặt kala, voi, sư tử... Trong bộ sưu tập gốm Champa của Bảo tàng Bình Định, có niên đại sớm nhất là những hiện vật được phát hiện tại di tích thành Cha.
Phù điêu sư tử đất nung, thế kỷ XII, một hiện vật quý hiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: NTQ
Từ đợt khai quật phế tháp Lai Nghi, người ta phát hiện rất nhiều mảnh phù điêu mặt kala, trong đó có 4 mặt kala còn nguyên, chỉ mất chốt gắn vào kiến trúc. Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ 6 mặt kala đều phát hiện ở địa phận huyện Tây Sơn, loại kala trang trí trên các tầng tháp, cùng thuộc phong cách Bình Định, nhưng mỗi mặt kala được nghệ nhân Chăm thể hiện đường nét riêng, tạo sự đa dạng trong nghệ thuật.
Trong tổng số 23 hiện vật hình tượng voi tìm thấy ở Lai Nghi, có 5 tượng gần như còn nguyên vẹn. Bốn tượng voi thể hiện một mặt, mặt sau lõm lòng máng, đứng trên khối chân đế chữ nhật, đầu nghiêng về một bên, phía sau chân đế có dấu vết chốt ngang để gắn vào kiến trúc. Đáng chú ý, có một tượng voi tròn khác hoàn toàn với 4 tượng trên, thế đứng yên nhìn thẳng, vòi buông xuống, gốm sành nâu được nung già, màu đen, không trang trí hoa văn, có thể đây là dạng tượng thờ.
Di sản văn hóa Champa Bình Ðịnh từng vinh dự “mang chuông đi đánh xứ người”, trưng bày ở nước ngoài: Áo và Bỉ (2002), trưng bày ở trong nước: Hà Nội 2 lần (2006 và 2008), TP Hồ Chí Minh (2010), Bình Dương (2011), Nghệ An (2015), Ðà Nẵng (2018). Hiện vật văn hóa Sa Huỳnh cũng được đưa đi trưng bày ở Quảng Ngãi (2009).
Ở phế tích Lai Nghi, loại hình tượng sư tử tìm thấy khá nhiều, sư tử chạm khắc tinh vi tỉ mỉ, cũng được thể hiện một mặt và đứng trên khối chân đế như tượng voi, có chốt ngang dùng trang trí trên các tầng tháp. Tượng sư tử có 6 hiện vật, nhưng không được nguyên vẹn như tượng voi.
Năm 2000, trong quá trình đào chân tháp Bánh Ít để gia cố trùng tu, một tác phẩm điêu khắc đất nung được phát hiện, được giới chuyên môn đánh giá là cực kỳ độc đáo, đó là phù điêu sư tử. Đây là sự kết hợp giữa tính tả thực với tính cách điệu và nhân hóa một phần, dạng nửa người nửa vật nhưng rất hài hòa cân xứng.
Trong kiến trúc đền tháp Champa, điêu khắc thường được tạo tác trên chất liệu sa thạch và chạm trực tiếp trên gạch xây của khối kiến trúc, tượng đất nung Champa là loại hình điêu khắc rất hiếm, gần như chỉ thấy ở vùng Vijaya/Bình Định. Đến nay, tượng đất nung Champa chưa được nghiên cứu chuyên sâu, chỉ dừng lại ở nhận định những nhóm hiện vật đơn lẻ. Trong trầm tích văn hóa Champa ở Bình Định, chắc chắn vẫn còn ẩn chứa nhiều tượng, phù điêu đất nung, hy vọng khảo cổ học sớm thăm dò, khai quật khảo cổ thu thập bổ sung vào bộ sưu tập, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu, toàn diện và đầy đủ hơn về phong cách điêu khắc Champa Bình Định trong tiến trình lịch sử.
NGUYỄN THANH QUANG