Bảo tàng cần đổi mới toàn diện
Hầu hết các bảo tàng địa phương ở nước ta, trong đó có Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Ðịnh, được xây dựng, vận hành theo mô hình “bảo tàng tổng hợp”. Ðây là một mô hình đã rất cũ, không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Vì vậy để tiếp tục phát triển, theo kịp thời đại, các bảo tàng địa phương rất cần đổi mới toàn diện.
Về mặt nội dung, các bảo tàng tỉnh nghiên cứu trưng bày tất cả các yếu tố lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, gồm 4 nội dung: Lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, nghệ thuật và dân tộc học. Tất cả các bảo tàng địa phương đều có “cột xương sống” này và chúng chi phối mọi hoạt động của bảo tàng.
Bình Định đang là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách nhưng nhóm khách tham quan chính không thay đổi nhiều, vẫn chỉ là các em học sinh.
- Trong ảnh: Một nhóm sinh viên ĐH Quy Nhơn đang tham quan Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Bảo tàng na ná nhau
Bảo tàng Tổng hợp Bình Định chia cấu trúc trưng bày thành 3 phần: Lịch sử tự nhiên và con người (trước khi có Đảng); lịch sử kháng chiến chống Pháp; lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Phần lịch sử tự nhiên và con người bao gồm: Đặc tính chung về địa lý địa phương, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, thủy văn, thủy lợi, thổ nhưỡng, động vật, thực vật. Hiện vật chủ yếu trong phần trưng bày này chính là những mẫu vật lấy từ trong thiên nhiên. Những hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, Champa, trang phục và trang sức của đồng bào các dân tộc… Rồi đến những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về sự ra đời của Đảng, Đảng lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ đi đến thắng lợi, thống nhất đất nước.
Việc thay đổi cách tổ chức, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết.
Các tỉnh Duyên hải miền Trung, lưng dựa vào dãy Trường Sơn, quay mặt ra Biển Đông, hoàn cảnh địa lý tự nhiên, thậm chí cả về lịch sử gần như na ná nhau. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh nào cũng chiến đấu ngoan cường, giành chính quyền năm 1945, rồi 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi và đi đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975… Vấn đề đặt ra ở đây là do cùng chung “cột xương sống”, lại cùng chung nhiều đặc điểm, hoàn cảnh, lại không thể hiện được đặc trưng, nét điển hình riêng biệt vốn có nên tình trạng bảo tàng địa phương na ná nhau rất nhiều, nếu không muốn nói là toàn thể.
Gần đây, có hai sự kiện liên quan công tác bảo tàng diễn ra thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn. Ðó là Hội thảo khoa học - thực tiễn “Tương tác, trải nghiệm từ trưng bày Bảo tàng” do Bảo tàng Tôn Ðức Thắng phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và tọa đàm “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ðáng chú ý, tại các diễn đàn này, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra thực trạng đáng lo ngại là, trong gần 200 bảo tàng công lập và tư nhân đang hoạt động trên cả nước hiện nay, số bảo tàng hoạt động thật sự hiệu quả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần lớn các bảo tàng đều hoạt động cầm chừng, bởi không thu hút được khách tham quan, kể cả những bảo tàng mở cửa tự do, không thu phí.
Đổi mới toàn diện để hoạt động có hiệu quả
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định (tiền thân là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nghĩa Bình), được thành lập năm 1980. Năm 1989, khi tách tỉnh, đơn vị mang tên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định. Đến năm 2019, tái nhập Ban Quản lý di tích tỉnh vào Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, danh xưng mới là Bảo tàng tỉnh Bình Định. Tuy tên gọi có thay đổi, nhưng về cấu trúc trưng bày vẫn tiếp tục là mô hình tổng hợp. Những năm gần đây, bảo tàng có bổ sung mảng văn hóa, thay đổi một ít về trưng bày, tuy nhiên vẫn còn đó mô hình tổng hợp thiết kế theo lối trưng bày hướng đến mục tiêu giáo dục xơ cứng, ít hấp dẫn để thu hút khách tham quan.
Bảo tàng tỉnh có khá nhiều kế hoạch đầu tư như: Xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung hiện vật, chỉnh trang, sửa sang, đổi mới trưng bày, tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá và giáo dục truyền thống… đến nay hầu hết vẫn nằm trên giấy. Và điều đang tiếc, Bình Định đang là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách, bảo tàng mở cửa cả thứ Bảy và Chủ nhật, nhưng nhóm khách tham quan chính không thay đổi nhiều, vẫn chỉ là các em học sinh tham quan bảo tàng theo các chương trình ngoại khóa.
Thật ra chuyện đổi mới bảo tàng là vấn đề đã có chủ trương, định hướng của Bộ VH-TT&DL, mà cụ thể là Công văn số 2887/BVHTTDL-DSVH ngày 24.7.2019 về định hướng hoạt động bảo tàng, đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng thời phân công trách nhiệm cho các đơn vị liên quan triển khai đề án. Theo đó, các bảo tàng, với những đặc thù riêng, cần có kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với đơn vị, gắn hoạt động bảo tàng với quảng bá, xúc tiến du lịch. Chủ trương, định hướng của Bộ là vậy nhưng thực tế, không phải bảo tàng nào cũng sẵn sàng thay đổi. Cách nghĩ, cách làm vốn đã hằn sâu vào tư duy, thói quen nên hiện tại cũng khá nhiều bảo tàng khác, Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng tiếp tục đi trên lối cũ.
Cần phải nhìn nhận một thực tế, bảo tàng ít khách tham quan trước tiên là do ở đó không có thêm gì mới, năm nay cũng như năm ngoái; lạc hậu, chậm thay đổi, không đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Nếu bảo tàng không lấy khách tham quan làm trung tâm, không lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng làm trọng yếu thì tất yếu sẽ bị đào thải. Việc thay đổi cách tổ chức, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết. Hơn thế nữa, không phải là muộn nếu đặt ra vấn đề bảo tàng cũng cần ứng dụng khoa học công nghệ, thuyết minh tự động, trình chiếu phim 3D… Bảo tàng phải là một điểm đến hấp dẫn để khách tham quan có thể ngược về quá khứ, nhìn ngắm hiện tại và mơ ước về tương lai.
Bảo tàng tỉnh Bình Định là một trong vài bảo tàng địa phương có lượng hiện vật quý, phong phú, đa dạng bậc nhất nước ta. Nếu chúng ta biết trân trọng, đầu tư, khai thác, phát huy hệ thống hiện vật mà Bảo tàng tỉnh Bình Định đang sở hữu, thật khoa học và đúng cách, chắc chắn sẽ tạo ra khá nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn. Nếu đầu tư đổi mới toàn diện, Bảo tàng tỉnh sẽ có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế tỉnh nói chung, tạo nguồn cho việc duy tu, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp trưng bày.
NGUYỄN THANH QUANG