Hồ Thế Phất & lục bát tình…
Bóng nhan sắc bóng quê hương (NXB Hội nhà văn, 2019) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của nhà thơ Hồ Thế Phất. Tập thơ gồm 114 bài với hai chủ đề chính là những dòng thơ thiết tha về quê hương, về tình thân quê nhà và cái tình của một nhà thơ da diết yêu.
Thơ trở thành nơi chốn trú ngụ của những cảm xúc mà nhà thơ nông dân này thường xuyên tìm thấy ở bờ bãi, ruộng vườn, con mương, giếng nước. “Anh thích thơ từ thuở chăn bò/ Ôm báo cũ ra gò ngồi đọc/ Những con chữ chảy vào tim nhịp đập/ Cái bùa mê anh đeo mãi thành thơ” (Gã thi nhân).
Gần một nửa số bài trong tập thơ viết bằng thể thơ lục bát. Lục bát dễ chuyển tải tình cảm chân phương, giản dị nhưng thể thơ dễ làm lại rất khó viết cho hay. Nói như vậy là ghi nhận rằng, trong Bóng nhan sắc bóng quê hương, Hồ Thế Phất có nhiều bài lục bát ấn tượng. Đây là một ví dụ: “Vội vàng rút một tờ thơ/ Tung lên trời thẳm ngoái chờ hồi âm/ Em mịt mùng em hư không/ Bao giờ bắt được tình trong vô thường/ Anh giăng sợi nhớ miên trường/ Thả tương tư tận cuối đường chim bay” (Mây bay). Hoặc: “Đời em chiếc lá lênh đênh/ Nhúng đầy trăng trôi nổi nênh giang hồ/ Đời anh thi sĩ tửu đồ/ Vớt không nổi lá ngồi cô đơn nhìn/ Rượu say trăng - Thơ say tình/ Say không còn vớt được mình em ơi” (Giọt trăng).
Có khi, bạn đọc hẳn sẽ thích thú bởi những câu lục bát vừa hóm hỉnh, duyên dáng lại lằng lặng trong đó một ký gửi cảm xúc của một thi nhân nồng nàn cái tình với người, với thơ: “Gặp em trong một giấc mơ/ Hỏi rằng thi sĩ làm thơ khi nào/ Thưa rằng từ thuở chiêm bao/ Đến khi tỉnh giấc anh nào có hay/ Em cười như thể cơn say/ Là anh kiếp trước đầu thai bị nhầm” (Đầu thai bị nhầm).
Bóng nhan sắc bóng quê hương là tập thơ thứ 8 của nhà thơ Hồ Thế Phất sau tập Chứng tích (1972), Hái mộng (1972), Cõi niềm u u (1974), Bước giữa chiêm bao (1975), Mưa xuân thì (2005), Chao sóng (2009), Thơ tình tặng lúa (2014).
VÂN PHI