Ða dạng phương pháp dạy - học tiếng Anh: Tạo động lực vui học cho học sinh
Ðể giúp học sinh thêm hứng thú khi học tiếng Anh, nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức một số hoạt động hỗ trợ như hội thi, hội diễn, sinh hoạt CLB…
Cuối năm 2019, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) rộn rã trong “Lễ hội sắc màu”. Đây không chỉ là hoạt động vui chơi mà còn giúp các em giao lưu, học tập tiếng Anh. Dù Lễ hội đã qua khá lâu, nhưng em Lê Đặng Nhật Trâm, học sinh lớp 8A1 vẫn nhớ như in kiến thức, kỹ năng mà em có được từ sự kiện này. Nhật Trâm cho biết: “Kịch bản của lễ hội là một chương trình giao lưu văn nghệ của các nhóm học sinh đến từ 4 châu lục. Điểm đặc biệt là từ lúc chuẩn bị cho đến khi trình diễn, chúng em đều trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Chính nhờ thế, không chỉ biết thêm từ vựng, nắm vững cấu trúc ngữ pháp, mà chúng em còn biết cách sử dụng phù hợp với bối cảnh, đặc biệt hội thoại trên sân khấu lưu loát như đời sống chứ không phải là thuộc lòng kịch bản”.
Lễ hội sắc màu của Trường THCS Lê Hồng Phong.
Bà Lê Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi còn lồng ghép học tiếng Anh với phong trào Đội, tổ chức cho các em học nhóm. Chính các giáo viên tiếng Anh cũng được yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn. Phương châm của trường là đưa tiếng Anh vào thực tế cuộc sống, giúp học sinh có nhiều trải nghiệm với nhiều tình huống giao tiếp, giúp các em hình thành phản xạ nghe nói thuần thục”.
Ở TP Quy Nhơn, Trường THCS Ngô Mây là đơn vị cũng có nhiều hoạt động giúp học sinh học tốt tiếng Anh. Đáng kể nhất là việc thành lập và duy trì hoạt động CLB Tiếng Anh. CLB có nhiều nhóm kỹ năng như: Tiếng Anh, Âm Nhạc (hát, múa, kịch...), Mỹ thuật, Truyền thông. Theo đó, nhóm Tiếng Anh phụ trách biên soạn, phiên dịch các chương trình; nhóm âm nhạc phụ trách các tiết mục văn nghệ bằng tiếng Anh; nhóm Mỹ thuật sản xuất truyện tranh bằng tiếng Anh; nhóm Truyền thông phụ trách truyền thông cho CLB mỗi khi có sự kiện. Hàng tuần, phong trào thi đua của CLB được tổng kết và thông báo bằng tiếng Anh.
Thầy Nguyễn Hữu Tài, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Ngô Mây, chia sẻ: Ngoài hoạt động của CLB, Trường còn tổ chức nhiều chương trình, lễ hội để các em tổ chức và học tập như: Street Music (Âm nhạc đường phố) hàng tuần; Festival “Chúc mừng năm mới - Merry Christmas and Happy New Year 2020”, Ngày hội vì bạn. Ngày 26.3 tới, Trường tổ chức Triển lãm truyện tranh bằng tiếng Anh. “Trong các tiết học, học sinh đều tự làm dụng cụ dạy học theo project (dự án). Ví dụ học chủ đề bảo vệ môi trường, các em tạo ra những sản phẩm có thể bảo vệ môi trường và thuyết trình về sản phẩm đó. Hay chủ đề về các quốc gia nói tiếng Anh, các em chuẩn bị trang phục để các bạn nhận diện quốc gia đó...”, thầy Tài chia sẻ thêm.
Hoạt động của CLB tiếng Anh, Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn).
Điểm chung của các trường là mỗi hoạt động đều do các em tự chuẩn bị, tự tổ chức và sinh hoạt. Em Huỳnh Song, Trường THCS Lê Hồng Phong, kể: “Em được chọn làm người dẫn chương trình “Lễ hội sắc màu”. Ban đầu em rất lo, nhưng nhờ làm việc nhóm, lại giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh ngay từ phiên thảo luận đầu tiên nên em trở nên tự tin hơn. Chúng em phải mất 2 tháng để đọc, tìm tài liệu và tự làm tất cả từ viết nội dung kịch bản, dàn dựng tiết mục, đến thiết kế trang phục và đạo cụ. Em mong sao nhà trường duy trì và phát triển nhiều hoạt động như vậy để chúng em được vui học”.
Ở cấp tiểu học, học sinh chưa tự chuẩn bị được nhiều thứ, phụ huynh và giáo viên sẽ giúp đỡ các em. Giờ học tiếng Anh của cô Trần Thị Bích Phương, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Phước Lộc (huyện Tuy Phước) luôn được học sinh mong đợi. Theo cô Phương, học sinh không chỉ được hướng dẫn kể chuyện mà thể hiện khả năng diễn xuất bằng tiếng Anh, nên rất thích thú. Để tiết học thêm phần sinh động, màu sắc, cô còn mượn trang phục của đội văn nghệ trường để các em vào vai. Do đó, các em bước đầu dạn dĩ, tự tin ở kỹ năng nghe - nói.
Nhờ chú trọng giảng dạy môn Tiếng Anh, nhiều học sinh Trường Tiểu học số 1 Võ Xán (huyện Tây Sơn) không e sợ môn học này, do vậy, khi có thông báo về cuộc thi Vươn ra thế giới nhằm giới thiệu cho bạn bè biết về con người, văn hóa, lịch sử của quê hương, nhiều em mong muốn được tham gia. Khi tham gia chương trình, giáo viên chỉ giúp các em liên hệ với nhân vật, đơn vị khi học sinh đến tìm hiểu, giới thiệu. Còn lại, chủ đề, nội dung bài giới thiệu do các em tự đề xuất và tự viết. Qua đó, các em được trải nghiệm nhiều kỹ năng khác ngoài việc học tiếng Anh như thuyết trình, tìm tài liệu…
Em Đỗ Băng Băng, học sinh Trường Tiểu học số 1 Võ Xán, chia sẻ: Em thích môn tiếng Anh từ lâu. Ngoài giờ học ở lớp, các hoạt động ở trường, cô giáo cũng sẵn sàng giải đáp cho chúng em khi có thắc mắc và giúp đỡ chúng em nhiều nên em không còn ngại học môn này.
Quy mô, hình thức tổ chức học tập tiếng Anh ở các trường khác nhau nhưng học sinh hứng thú với từng giờ học, từng hoạt động đã là thành công. Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều trường có những hoạt động thú vị, giúp các em yêu thích môn học này hơn.
THẢO KHUY - HỒNG HÀ