Vũ Xuân Cẩn & phép quân điền tại Bình Ðịnh
Vũ Xuân Cẩn (1778 - 1852, người làng Hòa Luật, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là đại thần phục vụ 4 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức với các chức Tổng đốc Bình Phú, Thượng thư Bộ Hình, Hàn lâm viện, Ðông các Ðại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán kiêm lãnh Quốc tử giám... Ðương thời Vũ Xuân Cẩn làm một việc chưa từng có dưới thời phong kiến, một tư tưởng vượt tầm thời đại - đề xướng cải cách điền địa.
Bản dập mộc bản chép về việc Vũ Xuân Cẩn tấu trình việc thi hành phép quân điền tại Bình Định, hiện lưu tại Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước.
Trong cuộc đời làm quan, dù ở cương vị nào Vũ Xuân Cẩn cũng đặt quyền lợi của người dân lên trước để giải quyết đạt lý thấu tình. Do vậy, đời sống nhân dân ở những nơi ông đến làm việc đều ổn định, ấm no. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vũ Xuân Cẩn được bổ làm Tổng đốc Bình Phú (là 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay). Với Bình Định, Vũ Xuân Cẩn là người có công rất lớn trong việc cải cách điền địa tại đây.
Sau năm làm quan ở Bình Phú, năm 1838, Vũ Xuân Cẩn dâng vua Minh Mạng tập “thỉnh an”. Bản tâu cho thấy là số công điền của tỉnh Bình Định chỉ còn khoảng 5.000 mẫu, phần tư điền thì bị hào phú chiếm cả, lên đến hơn 17.000 mẫu. Có một số hào phú có đến 100 - 200 mẫu, ngược lại có nhiều người dân nghèo suốt đời làm đầy tớ cho người giàu. Vũ Xuân Cẩn đề nghị hạn định phần ruộng tư ở mức 5 mẫu mỗi người, còn bao nhiêu đem làm ruộng công, chia cấp cho dân binh để làm ruộng lương và ruộng khẩu phần. Tuy nhiên, vua Minh Mạng cho rằng đây là một việc mới, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, dễ gây bất mãn, nên không phê chuẩn.
Năm 1839, khi ông về kinh, vua Minh Mạng gọi đến hỏi lại việc chia ruộng. Ông liền khẩn trình rằng: Tỉnh Bình Định đất tốt, nhà làm ruộng mỗi năm gặt hai mùa, nhưng phần nhiều bị người giàu chiếm cả, người nghèo không có lấy một tấc ruộng nào. Nay nếu kiểm xét lấy ruộng của người giàu ra, chỉ để lại cho 1 - 2 phần làm thế nghiệp; còn 8 - 9 phần nên lấy lại để cấp cho binh dân và người nghèo, thì dân nghèo có chỗ trông nhờ, mà cái lợi từ đất đai mới quân bình.
Vua nghe tâu, bèn giao xuống cho bộ Hộ bàn kỹ lại. Sau khi hội bàn xong, bộ Hộ tâu: Việc chia ruộng có thể làm được. Vua sai 6 bộ hội bàn, mọi người đều nhất trí: Các ấp nào mà ruộng tư nhiều hơn ruộng công, thì chiết lấy một nửa ruộng tư; ấp nào mà người nhiều, ruộng ít, thì cân nhắc trích lấy ruộng công ở gần đấy mà cấp cho, khiến cho binh và dân đều được nhờ việc lợi này.
Văn bia ghi nhớ công lao của Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn đặt tại quê nhà làng Hòa Luật, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đọc bản tấu, vua Minh Mạng không cho là khó nữa, không cho bàn lui, quyết làm cho được, sai Vũ Xuân Cẩn cùng Tham tri bộ Hộ là Doãn Uẩn vào Bình Phú thi hành phép chia đều ruộng. Vua quyết định trích lấy một nửa tư điền sung công trong những thôn ấp nào ruộng đất tư nhiều hơn ruộng đất công. Chủ ruộng không được bồi thường, quy định này áp dụng với cả những ruộng thuộc sở hữu của công thần, thế tộc, tất cả đều bị cắt một nửa. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, đối với ruộng hương hỏa của Khai quốc công thần Đào Duy Từ, vua Minh Mạng ra lệnh quốc khố chuẩn trả cho mỗi mẫu 50 quan tiền. Kết quả, theo ghi nhận của Đại nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ - số công điền ở Bình Phú từ 5.000 mẫu đã lên đến 40.000 mẫu.
Tháng 10 năm ấy công việc hoàn thành, ông về kinh phụng mệnh, vua Minh Mạng vui mừng, cho ông là người đầu tiên kiến nghị việc điền địa, nên thưởng ân đặc, cử ông lĩnh chức Thượng thư bộ Hình kiêm quản viện Đô Sát viện sung Thực lục Tổng tài. Đến năm vua Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), ông được thăng chức Thự Đông các Đại học sĩ, lĩnh chức ở bộ Hình như trước, rồi gia hàm Thái tử Thái bảo. Năm ấy, đã ngoài 70 tuổi, tự thấy mình tuổi đã cao, Vũ Xuân Cẩn xin được nghỉ nhưng vua Thiệu Trị không chuẩn tấu, bút phê rằng: “nước có bề tôi già, là điềm hay của thịnh triều, không cho nghỉ”.
Để gia tăng diện tích công điền, công thổ, triều nhà Nguyễn không ngần ngại sung công ruộng tư. Để nhanh chóng đạt mục đích, triều đình cho phép địa chủ tự mình hiến ruộng, chính sách này gọi là “hiến điền”. Tuy nhiên khi cần thiết, triều đình còn áp dụng biện pháp mạnh hơn: Trưng thu. Dù vậy, vẫn có một số trở ngại, đơn cử như những chỗ ruộng tốt thì cường hào chiếm cả làm tư điền, phần công điền chỉ toàn ruộng xấu, chính vì thế, ở những địa phương có quan lại tốt cai quản mọi việc khá ổn, còn ngược lại thì kiện cáo rất nhiều. Năm 1871, sau 7 năm cấm, vua Tự Đức cho phép bán ruộng công trở lại, đồng thời khuyến khích dân nghèo khai khẩn đất hoang làm ruộng, phần ruộng này được công nhận là tư điền. Nhờ vậy người nghèo có cơ hội rất lớn để ổn định đời sống. Một ví dụ để thấy phép quân điền của Vũ Xuân Cẩn có ý nghĩa lớn như thế nào. Tháng 5.1834 khi Xiêm La gây hấn, triều Nguyễn tiến hành chiến tranh tự vệ và giành chiến thắng, khi ấy với sự sung túc của mình, chính Bình Phú là hậu phương vững vàng góp phần đáng kể về sức người, quân lương, quân nhu.
***
Việc quân điền ở Bình Định thành công đã đem lại đời sống ấm no cho hàng trăm nghìn người dân nghèo khổ. Đề cập đến việc làm này của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết “Việc quân điền ở Bình Định quả là sự nghiệp trác dị của Vũ Xuân Cẩn”.
THANH NGỌC