Bài chòi & sự sáng tạo
Bài chòi là loại hình nghệ thuật truyền thống có khá nhiều người hâm mộ, nhưng để khán giả giữ mãi tình yêu ấy, không phải dễ. Cho dù nghệ thuật này được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Chính vì thế, ở tỉnh ta nhiều nghệ nhân vẫn tự dặn lòng và bảo nhau phải luôn thay đổi để hấp dẫn người xem.
Ông Nguyễn Dư (bên trái) làm hiệu tại Hội bài chòi cổ Nhơn Hải.
Ngoài khả năng biểu diễn, giao lưu với khán giả, các nghệ nhân còn đầu tư rất nghiêm túc cho hệ thống câu thai mới, sát với thực tế đời sống ngay tại địa phương, giàu ý nghĩa… Họ làm như vậy chỉ với một mục đích duy nhất, là làm cho hội đánh bài chòi thêm sinh động, thu hút và giữ được sự chú ý của công chúng. Những nghệ nhân có hệ thống câu thai mới mẻ luôn khiến khán giả bất ngờ, yêu thích điển hình là: Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức (huyện Phù Cát), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú (huyện Tuy Phước), nghệ nhân Quý Nhất (TP Quy Nhơn), đặc biệt là nghệ nhân bài chòi Nguyễn Dư (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn)…
Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú, lần nọ sau một hội đánh bài chòi, không biết từ đâu mà khán giả biết số điện thoại của ông, người ta gửi tin nhắn “càm ràm” rằng, ông Phú trình diễn không có nội dung gì mới lạ như mấy lần trước. “Tôi xem lời nhắc đó còn hơn một lời khen. Từ đó, cứ mỗi hội đánh, hội diễn tôi đều cố gắng chuẩn bị thật tốt, cố gắng có cái mới lạ, thú vị để phục vụ bà con”, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú xúc động kể lại.
Dù không biểu diễn nhiều nơi như các nghệ nhân kể trên nhưng nhờ hết lòng chăm chút từng câu thai, từng hội diễn, ông Nguyễn Dư được người dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) yêu mến gọi là nghệ nhân bài chòi của họ. Ông luôn lắng nghe để “chế” rất nhanh những câu thai theo những sự kiện thời sự, đặc biệt là thời sự địa phương. Mới đây, gặp nghệ nhân Nguyễn Dư ở Lễ hội cầu ngư xã Nhơn Hải, vừa nghe tôi đề nghị, ông đã ngẫu hứng, hô vài câu thai cho từng thẻ bài, có câu thai đậm đà điển cố điển tích nên mang tính giáo dục cao, rất dễ nghe, có câu thai lại gần gũi, bình dị từ vốn hiểu biết của một người đã gắn chặt cả cuộc đời với vùng biển Nhơn Hải. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu thai cho thẻ bài Ba bụng. Trước giờ tôi chỉ được nghe câu “1 chồng 2 vợ 3 bụng úp vô”, sau khi nghe câu thai của ông Dư lấy từ điển tích kết nghĩa vườn đào của 3 anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi “3 người 3 bụng 1 lòng trước sau” tôi không kìm được vui sướng. Thậm chí, ngay cả những cách cơ bản để phòng ngừa bệnh dịch Covid-19 cũng được ông nhanh chóng biến thành câu thai.
Bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần sáng tạo, nếu muốn giữ khán giả. Làm được điều đó, người nghệ sĩ, nghệ nhân không chỉ thể hiện trách nhiệm với khán giả, với loại hình nghệ thuật mà còn nói lên tình yêu của họ với quê hương, cuộc sống - nghệ nhân Nguyễn Dư hồn hậu chia tay tôi như thế.
ÐỖ THẢO