Nhớ Khám lý - Cống Quận công Trần Ðức Hòa
Xưa kia, ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn có đền thờ Cống Quận công Trần Ðức Hòa, nhưng do thời gian và chiến tranh, ngôi đền ấy không còn nữa. Ngày 9.3.2018, UBND huyện Hoài Nhơn thông qua phương án thiết kế phục dựng đền thờ ông tại thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây.
Nhờ đó, khi về dự giỗ ông năm nay (16.2 âm lịch) người tham gia thấy ấm lòng khi tham quan khu lưu niệm để nhớ về vị quan không chỉ gắn liền với sự nghiệp mở cõi ở Đàng Trong mà còn được xem là người có công rất lớn với sự hình thành của chữ Quốc ngữ.
Xứng tầm công trạng
Những năm trước, vào ngày giỗ Cống Quận công Trần Đức Hòa, con cháu họ Trần thường cúng tại mộ ông ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn (được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005) hoặc ở gia đình. Nhằm tưởng nhớ công đức cũng như ghi nhận công lao của Cống Quận công Trần Đức Hòa đúng tầm hơn, UBND huyện Hoài Nhơn phê duyệt phương án thiết kế phục dựng Đền thờ Cống Quận công Trần Đức Hòa tại thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, trên khu đất của gia đình. Trong khả năng của mình, ông Trần Đức Nghị - cháu đời thứ 12 của cụ Trần Đức Hòa, trưởng tộc họ Trần - và con cháu đã xây dựng và hoàn thành khu lưu niệm Khám lý - Cống Quận công Trần Đức Hòa. Khu lưu niệm được thiết kế cao, thoáng, cạnh hàng dừa xanh mát, có bia lưu niệm, bảng đề công trạng của Khám lý Cống Quận công, bản dịch 10 sắc phong, tất cả đều được khắc vào đá.
Con cháu và người dân tham quan khu lưu niệm.
Ông Trần Đức Nghị cho biết: Theo phương án thiết kế được UBND huyện phê duyệt, chi phí để làm Đền thờ Cống Quận công Trần Đức Hòa quá cao, ngoài khả năng tài chính của gia đình, nên bước đầu, chúng tôi làm khu lưu niệm để con cháu biết và tự hào về tổ tiên, nguồn cội của mình.
“Khám lý - Cống Quận công Trần Đức Hòa là danh nhân lịch sử, tất nhiên việc xây dựng các công trình tưởng nhớ là trách nhiệm của nhà nước. Khi ngân sách nhà nước chưa thể đảm nhận thì trong khả năng của mình, ông Trần Đức Nghị và dòng tộc đầu tư, xây dựng như vậy là rất quý”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.
Ngày giỗ, kể về công lao của tiên tổ
Năm nay, ngày giỗ cụ Trần Đức Hòa cũng là ngày khánh thành khu lưu niệm ông. Không chỉ có gia đình cùng nhau sum họp mà nhiều người biết đến và mến mộ cụ cũng đến dự. Trước lễ cúng, mọi người cùng tham quan khu lưu niệm, đọc những sắc phong được khắc trên đá với lòng thành kính, tự hào. Không chỉ vậy, ngày giỗ còn có sự tham gia của con cháu của cụ Đào Duy Từ - con rể cụ Trần Đức Hòa. Câu chuyện về người cha vợ nhân hậu, trọng dụng nhân tài được con cháu hai họ Trần - Đào trìu mến kể lại.
Ông Đào Duy Nhơn, cháu đời thứ 14 của cụ Đào Duy Từ, chia sẻ: Cụ Trần Đức Hòa là người giúp đỡ cụ Đào Duy Từ để ông tổ của chúng tôi phát huy được tài năng. Cụ Trần Đức Hòa còn gả con gái duy nhất của ông cho cụ Đào Duy Từ. Vì bà không sinh được con nên đi tu, lại chính cụ Hòa tìm vợ khác cho cụ Từ. Từ xa xưa đến bây giờ 2 dòng họ chúng tôi xem nhau như anh em ruột.
Không chỉ trọng dụng hiền tài, không câu nệ xuất thân, Cống Quận công Trần Đức Hòa còn được xem là “bà đỡ” của chữ Quốc ngữ. Linh mục Võ Đình Đệ cho biết: “Việc khởi đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ là một sáng kiến của các thừa sai Dòng Tên làm việc tại cư sở Nước Mặn ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620, gồm có Linh mục Buzomi, Linh mục Pina, Linh mục Borri. Nhưng nếu không có Cống Quận công Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Quy Nhơn bảo trợ, chu cấp cho họ điều kiện tốt nhất để làm việc thì có lẽ còn lâu nữa chúng ta mới có chữ Quốc ngữ - một di sản lớn mà chúng ta đang thừa hưởng”.
Theo Lộc Xuyên Ðặng Quý Ðịch trong Trần Ðức Hòa tư liệu, NXB Văn Hóa Dân Tộc: “Trần Ðức Hòa người Bồng Sơn, Bình Ðịnh. Ông nội là Ngọc Trách làm quan cho nhà Lê, được tặng hàm Vinh lộc Ðại phu. Cha là Ngọc Phân cũng làm quan cho nhà Lê, đến chức Phó tướng ở dinh Quảng Nam. Hòa vốn người hào mại, vì con nhà tướng nên buổi đầu tập ấm chức Hoằng tín Ðại phu, sau đổi qua làm Ðô chỉ huy sứ quyền nhiếp vệ Cẩm y. Nhờ có công được giữ chức Khám lý phủ Quy Nhơn, tước phong Cống Quận công”. Vì không rõ thời gian sinh, tử, con cháu họ Trần lấy ngày 16.2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ để tướng nhớ đến ông.
THẢO KHUY