Họa sĩ đi vẽ trực tiếp
Gần đây, nhiều nhóm họa sĩ đã thực hiện các chuyến sáng tác trực họa phong cảnh. Ðiều này không chỉ giúp các họa sĩ rèn luyện kỹ năng xử lý chất liệu, màu sắc, nâng cao tay nghề, mà quan trọng hơn - duy trì cảm xúc, cảm hứng sáng tạo.
Tác phẩm “Tháp Dương Long” của họa sĩ Trần Tuấn.
Họa sĩ Trần Tuấn, giảng viên Trường CĐ Bình Định, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Hoạt động trực họa (nói nôm na là vẽ trực tiếp) được các họa sĩ thuộc Chi hội Mỹ thuật Bình Định (Hội VH&NT tỉnh) thực hiện từ năm ngoái. Với trang bị gọn, nhẹ, cơ động, các họa sĩ hình thành những nhóm vẽ, tổ chức các đợt đi thực tế và sáng tác.
Những chuyến trực họa đầu tiên diễn ra ở các địa phương thuộc khu vực miền núi, trung du và miền biển, như: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tuy Phước, Hoài Nhơn… Ở chuyến đầu tiên, các họa sĩ lên Vân Canh, Vĩnh Thạnh và vùng đồi núi Hoài Nhơn. Những địa phương này không phải là xa lạ với các họa sĩ, nhưng khi được đưa đến những nơi có phong cảnh núi rừng, sông suối, làng bản đẹp thì cảm xúc bật lên rất mạnh. Có thể nói phong cảnh rừng núi, cảnh sinh hoạt ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh trong tranh của các họa sĩ đậm đà tình cảm, đặc biệt là ở suối Cà Xiêm (huyện Vân Canh). Đạt hiệu suất cao nhất có lẽ là chuyến sáng tác kéo dài 3 ngày ở xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão. Các họa sĩ nói vui, đây là chuyến đi thành công nhất cho đến nay vì lẽ họ được đi… ô tô, đầu tư lớn nên phải lao động nghiêm túc hơn để hoàn vốn, xứng đáng công đi. Nói vui vậy nhưng kết quả, mỗi họa sĩ trong nhóm cũng đã hoàn thành 3 tác phẩm vẽ về phong cảnh núi rừng và làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số.
Họa sĩ Trần Đình Tấn cho biết: “Chuyến đầu tiên tôi tham gia trực họa ở Lộ Diêu, huyện Hoài Nhơn. Vẫn biết là phong cảnh ở Lộ Diêu khá hấp dẫn vì mình có nhiều lần biết qua các tác phẩm của anh em nhiếp ảnh. Nhưng có đến nơi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của biển trời nơi đây. Trong chuyến đi này, tôi hoàn thành tác phẩm “Biển sớm”. Cảm xúc từ chuyến trực họa ở Lộ Diêu buộc tôi tham gia hầu hết các chuyến trực họa mà anh em họa sĩ trong tỉnh tổ chức. Trong số này, thú vị nhất là chuyến lên làng Kon Mon (xã Vĩnh An), tháp Dương Long (huyện Tây Sơn); đập Bảy Yển, cầu Phụ Ngọc (ở An Thái - Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, TX An Nhơn)…
Tất cả các họa sĩ tôi có dịp trò chuyện đều hào hứng tâm sự, những chuyến trực họa là cơ hội tốt để anh em họa sĩ rèn luyện kỹ năng xử lý chất liệu, màu sắc, nâng cao tay nghề, duy trì cảm xúc, cảm hứng sáng tạo. Họa sĩ Trần Tuấn kể, trong chuyến về An Thái (TX An Nhơn), chứng kiến các họa sĩ say mê vẽ phong cảnh cầu Phụ Ngọc, một người nông dân địa phương đến xin… mua bức tranh. Điều bất ngờ này khiến các họa sĩ vui như… Tết.
Họa sĩ Lê Duy Hồng trong một chuyến trực họa.
Còn theo họa sĩ Lê Duy Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định, trực họa là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, ngoài các yếu tố có tính chuyên môn, nó giúp các họa sĩ sát với thực tế đời sống, ghi nhận sinh động độ đẹp của phong cảnh quê hương, đất nước, làm tư liệu cho việc sáng tác những tác phẩm hội họa sau này. Đặc biệt, từ đây nhiều họa sĩ đã say mê sáng tạo và làm việc thường xuyên hơn.
VIẾT HIỀN