Phong trào văn nghệ ở huyện Phù Mỹ: Sôi nổi, rộng khắp
Ở huyện Phù Mỹ, hoạt động sôi nổi nhất trong phong trào văn nghệ là dân ca, kịch, bài chòi, đặc biệt bài chòi cổ. Sau thành công của Liên hoan Tiếng hát dân ca bài chòi lần thứ I (năm 2015), phong trào hát dân ca phát triển rộng khắp, đặc biệt là trong trường học với nòng cốt là các em học sinh.
Cuộc thi Giọng hát hay cấp huyện ở Phù Mỹ được nhiều người dân đón nhận nồng nhiệt.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Mỹ, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giới thiệu về cái hay, cái đẹp của dân ca bài chòi; tổ chức sinh hoạt cộng tác viên định kỳ hàng tháng để thông qua đó truyền dạy các làn điệu dân ca bài chòi; đưa tiết mục dân ca bài chòi vào các chương trình văn nghệ ở địa phương; tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian trong các lễ hội nhằm tạo sức hút với công chúng. Toàn huyện hiện có khoảng 30 đội văn nghệ quần chúng và 1 CLB bài chòi hoạt động thường xuyên. Năm vừa qua lực lượng này tổ chức được hơn 200 buổi biểu diễn, liên hoan văn nghệ, giao lưu sinh hoạt, tuyên truyền lưu động, phục vụ các sự kiện ở địa phương.
Vài năm trước, Trung tâm VH-TT&TT huyện ghi âm, in sang 150 đĩa CD “Phù Mỹ khúc ca tình yêu” với 14 ca khúc ca ngợi quê hương để phổ biến xuống cơ sở. Sau đó, mỗi năm Trung tâm lại cập nhật thêm một số ca khúc viết về quê hương Phù Mỹ - Bình Định để nhiều người cùng tập hát, dùng làm bài thi tại cuộc thi Giọng hát hay cấp huyện vào mùng 3 Tết hàng năm. Điểm đặc biệt ở Phù Mỹ là không chỉ các thí sinh dự thi mà cả nhiều người dân cũng thích hát các ca khúc về địa phương. Nhờ vậy, các đêm diễn của cuộc thi Giọng hát hay do huyện tổ chức luôn thu hút đông đảo công chúng đến xem và háo hức chờ năm nay ca sĩ nào, ca khúc nào lên ngôi. Bà Nguyễn Thị Ngọc Đường (78 tuổi, xã Mỹ Trinh) kể: “Tôi thích đi xem cuộc thi hát này lắm, ở đây quen gọi là cuộc thi hát về Phù Mỹ. Tết vừa rồi tôi và nhiều bà con xóm giềng đi cổ vũ cho con gái và cháu ngoại dự thi. Cuộc thi hát này trở nên quen thuộc với người dân ở đây”.
Ngoài ra, hát tuồng là một thế mạnh khác của Phù Mỹ. Huyện có 5 xã ven biển có tục lệ tổ chức lễ hội cầu ngư, trong đó hát tuồng là phần không thể thiếu. Hàng năm từ rằm tháng Hai đến rằm tháng Sáu âm lịch có hàng chục đoàn tuồng được mời về phục vụ Lễ hội cầu ngư ở địa phương. Không chỉ có nghệ thuật truyền thống, hàng năm, Trung tâm còn phối hợp mở nhiều lớp dạy, bồi dưỡng nâng cao đàn guitar, organ, hội họa… Gần 5 năm qua, từ những lớp bồi dưỡng ấy, hàng chục nhạc công không chuyên đã mạnh dạn tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Phù Mỹ có cơ sở để phát triển, một phần cũng nhờ huyện tích cực huy động nguồn xã hội hóa với sự ủng hộ của nhiều DN như: VNPT, Viettel, Ngân hàng NN&PTNT huyện. “Trong năm nay, Trung tâm dự kiến sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, nghệ thuật, các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tăng kinh phí cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở địa phương”, ông Lê Quang Vinh cho biết thêm.
HỒNG HÀ