Tượng cổ Champa
Tập sách “Tượng cổ Champa - Những phát hiện gần đây” của PGS.TS Ngô Văn Doanh, do NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành dày gần 425 trang, chia làm 3 phần chính, với 40 chương.
Phần I của tập sách viết về những pho tượng và hiện vật điêu khắc được phát hiện tại khu vực Bắc Hải Vân; phần II gồm các chương viết về các pho tượng và hiện vật điêu khắc được phát hiện tại khu vực Nam Hải Vân; phần III gồm các chương viết về các pho tượng mới được phát hiện từ sau năm 1975 tại khu vực tỉnh Bình Định…
Vương quốc Champa để lại trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Trong những di sản đó, tượng cổ là mảng có nhiều giá trị, phong phú và nhiều điểm thú vị. Qua hơn 40 năm nghiên cứu, PGS.TS Ngô Văn Doanh được tham gia nhiều đợt điều tra, thống kê di tích; khai quật khảo cổ học tại một số tỉnh miền Trung. Bản thân ông nhiều lần được phụ trách một vài cuộc khai quật các phế tích đền tháp Champa. Vì vậy, tác giả đã được thấy và được nghiên cứu tại chỗ rất nhiều hiện vật và tượng cổ Champa ngay sau khi chúng được phát hiện. Riêng cuộc khai quật tháp Dương Long (Bình Định) đã đưa lên mặt đất gần 2.000 hiện vật trang trí kiến trúc và điêu khắc bằng đá. Không chỉ có vậy, trong những hiện vật mới được phát hiện, có khá nhiều pho tượng xứng đáng được xếp vào danh sách những kiệt tác của nghệ thuật Champa.
Trong số 21 hiện vật điêu khắc và tượng cổ Champa đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia, có tới 14 bức tượng và hiện vật mới được phát hiện sau năm 1975 và đều thuộc địa bàn các tỉnh miền Trung. Trong đó, tỉnh Bình Định có 4 bảo vật, gồm: Lá nhĩ Mahishamardini Núi Cấm, lá nhĩ Brahma Dương Long và 2 tượng Garuda tháp Mẫm (Bảo tàng Bình Định), tượng Siva Linh Sơn ở chùa Linh Sơn (Bảo tàng Bình Định quản lý)…
Ở tập sách “Tượng cổ Champa - Những phát hiện gần đây”, PGS.TS Ngô Văn Doanh đã dành riêng một phần viết về những pho tượng phát hiện ở Bình Định. Tiêu biểu trong số này là: Tượng Siva Mahayogi chùa Linh Sơn; phù điêu Sadashiva Dương Long; hai tượng Garuda tháp Mẫm; tượng bò Thủ Thiện và nhóm tượng bò muộn của Champa; hai pho tượng sư tử thành Đồ Bàn; phù điêu các vũ nữ tháp Đôi; những tượng người chim tháp Mắm; phù điêu Siva Gangadhara tháp Cánh Tiên…
VIẾT HIỀN