Ðưa dân ca, bài chòi cổ vào trường học: Từ điển hình Trường THCS Tam Quan
Gần 3 năm qua, Trường THCS Tam Quan, huyện Hoài Nhơn có nhiều cách thức đưa dân ca, bài chòi cổ đến gần hơn với học sinh và đạt hiệu quả cao. Tất cả bắt đầu từ tấm lòng với di sản văn hóa của lãnh đạo trường cùng các giáo viên.
Từ tháng 3.2017, thầy Võ Văn Thời (trước đó là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Châu) được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường THCS Tam Quan. Vốn có nhiều năm là giáo viên môn Văn, tâm huyết sưu tầm, tìm hiểu dân ca ở địa phương, lại có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động góp phần bảo tồn dân ca, bài chòi cổ tại Trường THCS Hoài Châu, thầy Thời tiếp tục phát huy những điều này tại đơn vị mới.
Học sinh làm hiệu trong hội đánh bài chòi cổ tại “Ngày hội vì bạn” năm 2019 của Trường THCS Tam Quan.
Thầy Võ Văn Thời cho biết: “Những năm trước, Trường THCS Tam Quan cũng có CLB dân ca nhưng sinh hoạt chưa thường xuyên. Tháng 9.2017, Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và kiện toàn CLB dân ca của trường từ năm học 2017 - 2018, do Hiệu trưởng làm Trưởng Ban, cùng sự tham gia của giáo viên âm nhạc và một số thầy, cô có năng khiếu văn nghệ. Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng nội quy và định hướng hoạt động của CLB. Đây cũng là những nội dung được đề cập và đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên trong các cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường hàng tháng”.
Thầy Võ Văn Thời đã đạt giải B sáng kiến cấp huyện Hoài Nhơn năm 2018 với đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bằng cách đưa bài chòi cổ dân gian Bình Ðịnh vào trường học”. Ðề tài “Chỉ đạo việc duy trì và sinh hoạt có hiệu quả CLB dân ca ở Trường THCS Tam Quan” của thầy Thời cũng đang gửi dự thi sáng kiến cấp huyện.
CLB dân ca duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng ít nhất là 1 lần. Giáo viên âm nhạc được giao tập luyện một bài dân ca tùy chọn, sau đó truyền dạy lại cho học sinh hát để lựa chọn những em có tố chất tốt kết nạp vào CLB. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cho học sinh nghe một số bài dân ca để làm quen, rồi sưu tầm những bài dân ca và tự tập hát.
Đặc biệt, trường còn quan tâm khuyến khích thành viên CLB dân ca tập luyện bài chòi cổ, mời các nghệ nhân về hướng dẫn thêm. Trong mỗi tiết học âm nhạc, giáo viên đều dành riêng 5 - 7 phút cho dân ca, bài chòi. Ở các buổi sinh hoạt ngoài giờ, học sinh hát các làn điệu dân ca, bài chòi bên cạnh những bài hát của Đội. Nhờ đó, các thành viên CLB dân ca đã thể hiện thành thục vai trò hiệu hội đánh bài chòi cổ trong các hoạt động, lễ kỷ niệm của trường.
Giáo viên âm nhạc Nguyễn Hùng Tiến luyện tập thêm hát ru cho học sinh Trường THCS Tam Quan trước khi biểu diễn.
Sưu tầm dân ca, bài chòi cổ là việc làm thường xuyên được lãnh đạo trường giao cho CLB dân ca và tổ Văn - Sử - Giáo dục công dân đảm nhiệm, hàng tháng báo cáo về những công việc đã thực hiện. Đến nay, đã sưu tầm khoảng 200 câu thai bài chòi cổ, 50 câu thai sáng tác mới được tuyển chọn, làm phong phú nguồn tư liệu cho CLB dân ca. Từ năm học 2017 - 2018, giáo viên âm nhạc Nguyễn Hùng Tiến đã hướng dẫn học sinh thực hiện dự án sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu đề tài “Hát ru Bình Định”, đến nay dự án đã gần về đích. Trong kế hoạch dài hơi của mình, lãnh đạo trường định hướng cho học sinh tìm hiểu về hát kết, hát hố, trò chơi dân gian ở địa phương gắn liền với những câu hát đồng dao của trẻ em ngày xưa.
Thầy Võ Văn Thời chia sẻ: “Nhà trường đã tổ chức khảo sát ý kiến 200 học sinh khối lớp 9, kết quả: Năm học 2016 - 2017, học sinh biết làn điệu dân ca là qua các tiết học âm nhạc nhưng chưa hát dân ca được nhiều, chỉ có một số ít em ở trong đội văn nghệ xung kích tham gia vào CLB dân ca. Từ năm học 2017 - 2018, học sinh yêu thích dân ca hơn qua các tiết học, nhiều em biết hát và muốn tham gia vào CLB dân ca. Đến năm học 2018 - 2019, không chỉ có học sinh lớp 9 mà các em ở khối 6, 7, 8 cũng nhiệt tình đăng ký tham gia, tín hiệu vui nữa là nhiều phụ huynh đã đến xin trường cho con em mình được tham gia CLB dân ca. Đến nay, CLB dân ca đã có 48 thành viên, việc biểu diễn của các em đã tiến bộ nhiều hơn...”.
HOÀI THU