Võ mà như múa vì thiếu lực
Cách đây nửa tháng, chúng tôi có dịp xem chương trình biểu diễn nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung phục vụ đoàn xúc tiến du lịch. So với những lần trước đây, về cơ bản chương trình vẫn vậy, thậm chí chất lượng biểu diễn còn có phần sa sút. Thấy một số hướng dẫn viên, đại diện một số DN chỉ đứng bên ngoài, đến hỏi thăm mới biết, họ đã dẫn khách đến xem nhiều lần, và bao nhiêu năm qua cũng chỉ bấy nhiêu tiết mục, chưa kể một số tiết mục võ mà như… múa, vì thiếu lực.
Một chương trình biểu diễn của đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung (ảnh chụp chiều 5.3.2020).
Hiện tượng này thật ra đã được góp ý trong một chương trình khảo sát, quảng bá du lịch Bình Định từ cách đây… 7 năm. Nhận thấy các ý kiến là có cơ sở, khi ấy, lãnh đạo Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH&TT) đã chỉ đạo Bảo tàng Quang Trung và Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh phối hợp xem xét, đánh giá lại tiết mục biểu diễn. Phía Bảo tàng Quang Trung sau đó cũng đề xuất về việc nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn nhạc võ Tây Sơn. Tuy nhiên, mọi việc chưa được quan tâm đúng mức, nên chương trình vẫn cũ dù nhà biểu diễn đã được đầu tư nâng cấp khang trang hơn rất nhiều.
Bảo tàng Quang Trung là một trong những điểm thu hút đông du khách nhất khi đến Bình Định. Vào mùa du lịch, đội nhạc võ có khi biểu diễn liên tục nhiều suất trong ngày, phục vụ hàng nghìn khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2012, khi võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chương trình biểu diễn nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung có vai trò quan trọng hơn, là kênh phổ biến, quảng bá những giá trị độc đáo của di sản này. Nếu làm tốt, sẽ đạt hiệu quả quảng bá cao và ngược lại có thể sẽ phản tác dụng!
Vì những lý do trên, chương trình biểu diễn nhạc võ không phải là “chuyện riêng” của Bảo tàng Quang Trung, mà còn “chuyện chung của cả tỉnh” trong công tác quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy, cần sự quan tâm hơn từ các cấp, ngành để đầu tư bổ sung lực lượng cho đội nhạc võ của Bảo tàng, nâng cao chất lượng của tiết mục biểu diễn, đáp ứng yêu cầu về mặt chuyên môn, đồng thời giới thiệu được những giá trị văn hóa - lịch sử của võ cổ truyền Bình Định. Bên cạnh đó, có lẽ các thành viên của đội cũng nên cố gắng tập luyện, biểu diễn thêm và nhiều hơn những bài võ tương truyền gắn liền với những vị danh tướng của nhà Tây Sơn như: Bùi Thị Xuân, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu... Xa hơn nữa, chương trình biểu diễn của đội nhạc võ cần là “bảo tàng sống” nhiều bài đặc trưng, thể hiện sự độc đáo riêng của võ cổ truyền Bình Định với cách dàn dựng chương trình biểu diễn sinh động, đẹp mắt...
MAI THƯ