Nét đẹp nón lá Gò Găng
Phường Nhơn Thành, TX An Nhơn hiện có hơn 500 hộ làm nón lá ở các khu vực Vĩnh Phú, Tiên Hội, Châu Thành, Vạn Thuận, Phú Thành, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Phú Thành và Vạn Thuận. Thương hiệu nón lá Gò Găng đã nổi tiếng từ rất lâu và đến nay vẫn duy trì theo cách làm thủ công truyền thống, với các công đoạn chính như: Chẻ tre thành thanh nhỏ rồi vót, tiếp đến là uốn vào khuôn, xâu lá, gộp lá rồi may bằng dây cước, nếu loại nón thưa thì khi may lót thêm lớp giấy vào giữa, còn với nón dày thì được may với 3 lớp lá. Theo những người làm nón nơi đây thì khâu tạo khung nón là rất quan trọng, tuy loại tre nào cũng có thể làm được nhưng phải chọn tre không già cũng không quá non, vì nếu tre non sẽ bị mọt ăn, còn già thì khi uốn sẽ gãy.
Cô Nguyễn Thị Đúng, ở khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành đã có gần 55 năm làm nón cho biết: Có nhiều loại lá được dùng để làm nón, tùy vào yêu cầu của khách đặt nón mà chọn lá cho phù hợp.
Ngoài ra, để tạo ra đường may đều, đẹp, bên cạnh chọn loại cước phù hợp, người làm phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng mũi may và phải siết chặt cước thì nón mới đẹp. Sau khi may xong, nón được quét qua một lớp keo để chống thấm nước.
Hiện nón có các loại như: Nón thưa, nón dày, nón nhỏ, nón bông (giả nón Huế)... cỡ nón nhỏ nhất là 4 vành và lớn nhất là 16 vành, có giá từ 10.000 đến 50.000đ/cái. Sau khi có đầy đủ sản phẩm, những người thợ lành nghề hoàn thành mỗi chiếc nón mất khoảng 1 giờ.
Nón lá Gò Găng đã có mặt khắp các tỉnh, thành trên cả nước, không chỉ giúp che nắng, che mưa mà nó còn mang giá trị truyền thống quê hương. Vẻ đẹp của nón lá Gò Găng còn thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người dân nơi đây.
PHAN TUẤN (thực hiện)