Giếng Champa cổ ở Xuân Mỹ
Để có thêm cứ liệu khoa học bổ sung vào hồ sơ liên quan đến khu phế tích tháp Xuân Mỹ - ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước - tháng 10.2019 các nhà khoa học đã thực hiện đợt khai quật khảo cổ học tại khu phế tích này. Trong quá trình khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã phát hiện 3 giếng Champa cổ tại Đội 13.
Tại khu phế tích tháp Xuân Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện 3 giếng Champa cổ, trong đó có 2 chiếc giếng tròn hiếm gặp.
Một điều khá đặc biệt là bên cạnh 1 giếng hình vuông quen thuộc, có 2 giếng hình tròn rất hiếm. Cả 2 chiếc giếng Champa hình tròn phát hiện trong đợt này khá tương đồng nhau về kích thước và kỹ thuật xây dựng. Cả
2 giếng đều có đường kính khoảng 0,7 m, thành được kè hoàn toàn bằng đá ong từ trên xuống dưới, mỗi lớp kè 8 viên dạng hình thang cân với cạnh trên dài 27 cm, cạnh dưới dài 35cm; tạo thành hình bát giác tù, gần tròn. Các viên đá ong được cắt gọt khá đều nhau và vuông cạnh nên khi ghép vào nhau rất đồng đều và chắc chắn, dù không hề sử dụng chất kết dính gì. Nhờ vậy thành giếng vẫn rất bền vững dù đã trải qua hàng trăm năm. Tại thời điểm khảo sát, tính từ mặt đất xuống chừng 2 m là tới mặt nước trong lòng giếng, theo người dân địa phương 2 giếng này hầu như có nước quanh năm. Việc chọn địa điểm để xây dựng giếng cổ của người Champa cũng được đánh giá rất cao về tính khoa học và hợp lý. Hầu hết các giếng Champa còn tồn tại cho đến nay vẫn là những giếng có nguồn nước chất lượng tốt, dồi dào quanh năm.
Trên khu vực chưa đến 1 ha lại phát hiện đến 3 chiếc giếng cổ của người Champa, chi tiết này cho thấy, rất có thể đây là một điểm cư trú của người Champa xưa. Bởi lẽ, cách vị trí này chưa tới 1km là hai phế tích tôn giáo đền tháp Champa đã sụp đổ - Xuân Mỹ và Long Triều, cùng thuộc thôn Xuân Mỹ. Chính vì vậy có lẽ di chỉ khảo cổ học này cần được nghiên cứu sâu hơn.
NGUYỄN VIẾT TUẤN