Ðồng bào tôn giáo tích cực tham gia phòng, chống dịch
Trong lúc cả nước “chống dịch như chống giặc”, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, chủ động, tự giác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, quy định về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã được các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành; nhất là chưa có tình trạng tập trung đông người ở các cơ sở tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo cũng phát huy tinh thần tự giác, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Chùa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh (141 Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) thực hiện nghiêm quy định không tổ chức các hoạt động tôn giáo tập trung đông người.
Dừng hoạt động đông người
Những ngày qua, thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức giáo hội, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng các hội nghị, lễ hội tôn giáo thường niên theo hiến chương, điều lệ và các lễ nghi, hoạt động tôn giáo tập trung đông người khác. Đồng thời, có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh ở địa phương và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Từ ngày 28.3, các giáo xứ và giáo họ trong toàn Giáo phận Quy Nhơn đã tạm dừng các thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo với sự tham gia của cộng đoàn. Các nhà thờ không có các sinh hoạt tập trung, thay vào đó là mở cửa để các tín hữu có thể đến cầu nguyện riêng. Giáo dân được khuyến khích tham dự trực tuyến các nghi thức tuần thánh.
Tương tự, các chùa cũng dừng tất cả chức các hoạt động đông người. Tăng, ni thực hiện nghiêm túc việc cấm túc tại các tự viện, không đi ra ngoài trong trường hợp không cần thiết. Thượng tọa Thích Đồng Thành, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cho hay: “Chúng tôi cũng vận động tín đồ phật tử hạn chế việc di chuyển, nên tu tập tại tư gia, thực hiện theo khẩu hiệu “Ai ở nơi nào, ở yên chỗ đó”, “Tôi ở nhà cầu an cho bạn”, bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cho cộng đồng”.
Tới đây có một sự kiện lớn của Phật giáo: Phật đản Phật lịch 2564 - Dương lịch 2020. Dịp này trước đây đều có nhiều hoạt động quy mô lớn, như chương trình nghệ thuật chào mừng, rước xe hoa, viếng nghĩa trang liệt sĩ... Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, các tự viện sẽ dừng hết các hoạt động như mọi năm. Thay vào đó, chỉ lập vườn lâm tỳ ni, trang trí cờ hoa chào mừng, mở cửa cho phật tử vào cầu nguyện nhưng phải kiểm soát số lượng để đảm bảo quy định về giãn cách xã hội.
Chủ động ngăn chặn hoạt động của tà đạo
Bên cạnh sự tham gia tích cực của các tôn giáo vào công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 và chủ trương tạm dừng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người của Thủ tướng Chính phủ, một số tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tôn giáo cực đoan có các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về ngày tận thế hoặc các thông tin sai sự thật.
“Đáng lo ngại là có những biểu hiện hù dọa, mê tín dị đoan; thông qua các hoạt động từ thiện để tạo thiện cảm, lôi kéo người tin theo nhằm phát triển tổ chức, trục lợi. Đồng thời, họ tăng cường tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại nhà, dẫn đến tình trạng “biến gia thành tự”. Tình trạng này chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh, song phải thật sự cảnh giác vì nguy cơ rất cao”, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Hồ Quang Thơm phân tích.
Trước nguy cơ đó, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; thường xuyên tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn khu dân cư. Không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương phòng, chống dịch Covid-19 để có các hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tăng cường tổ chức các sinh hoạt tôn giáo tại nhà, dẫn đến tình trạng “biến gia thành tự”.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các khoản quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch của tổ chức, cá nhân mang danh nghĩa tôn giáo nhưng chưa rõ về nguồn gốc, giáo lý và tính hợp pháp của tôn giáo đó. Trường hợp nghi ngờ, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để thẩm định, đề xuất, nhằm đảm bảo vừa huy động được các nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống dịch, vừa tránh sự lợi dụng của “tà giáo”.
MAI LÂM