KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY SINH V.I. LÊNIN (22.4.1870 - 22.4.2020)
Tư tưởng Lênin soi sáng sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta
V.I. Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người sáng lập ra nhà nước Xô Viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Học thuyết của Lênin về nhà nước, nhà nước vô sản là một trong những di sản lý luận quý báu mà Người để lại cho chúng ta.
Vấn đề quan trọng đầu tiên trong học thuyết của Lênin về nhà nước là về nguồn gốc và bản chất của nhà nước. Người viết: “Chưa chắc là có một vấn đề nào lại bị các đại biểu của khoa học, triết học, luật học, kinh tế chính trị học và báo chí tư sản, vô tình hay cố ý, làm cho rắc rối như vấn đề nhà nước”.
Lênin khẳng định rằng: Nhà nước là một hiện tượng lịch sử, nhà nước xuất hiện khi xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng. Người viết: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được”.
Lênin trong một lần diễn thuyết trước đông đảo quần chúng. Ảnh: Acting man
Khẳng định bản chất giai cấp của nhà nước nói chung và cụ thể là nhà nước tư sản, Người kết luận: “Những hình thức của nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau (…), vô luận thế nào cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản”.
Vấn đề thứ hai là: Làm thế nào để thay thế nhà nước tư sản? Từ thực tiễn chính trị xã hội bối cảnh hiện tại, Lênin khẳng định những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn “tột cùng” của nó là chủ nghĩa đế quốc và tính tất yếu của cách mạng XHCN. Cách mạng bạo lực là con đường khách quan để thủ tiêu nhà nước tư sản, “không có cách mạng bạo lực thì không thể thay thế nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được”.
Vấn đề thứ ba: Lấy cái gì để thay bộ máy nhà nước đã bị phá hủy? Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác và Ăng-ghen đề cập ở mức độ trừu tượng, thay bộ máy nhà nước bằng việc “tổ chức giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị”, “giành lấy dân chủ”. Đến thời Lênin, từ thực tiễn cách mạng thế giới lúc bấy giờ, Người đã phát triển chủ nghĩa Mác, khẳng định rằng: “Bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, cố nhiên không thể không đem lại rất nhiều hình thức chính trị khác nhau, nhưng thực chất của những hình thức ấy tất nhiên sẽ chỉ là một, tức là: chuyên chính vô sản”.
Lênin đã tập trung phân tích bản chất và nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, vai trò tổ chức cực kỳ to lớn của nó trong việc xây dựng xã hội mới sau thắng lợi của cách mạng vô sản. Lênin kết luận: “Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị”. Bản chất của nhà nước vô sản thể hiện rằng nó không còn là nhà nước theo nguyên nghĩa của nó nữa mà là nửa nhà nước. Lênin đặc biệt nhấn mạnh tính chất dân chủ của nhà nước vô sản, là nhà nước kiểu mới.
Những tư tưởng, lý luận của Lênin về nhà nước và cách mạng vô sản đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, thiết lập Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới, mở đầu cho kỷ nguyên của CNXH hiện thực.
Tiếp thu học thuyết của Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, xây dựng nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, hoàn thành cách mạng dân tộc giải phóng đất nước, xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 30 năm qua. Tư tưởng của Lênin về nhà nước vô sản: Bản chất giai cấp công nhân, liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, tính nhân dân, bản chất dân chủ XHCN, vai trò lãnh đạo của đảng vô sản với nhà nước… vẫn còn nguyên giá trị thời sự và cấp bách đối với chúng ta.
Hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị chống phá quyết liệt, xuyên tạc, phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt, chúng tập trung vào chống phá “cột trụ” của hệ thống chính trị XHCN Việt Nam- Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cho dù âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi đến đâu, chúng cũng nhất định thất bại bởi giá trị, ý nghĩa và sức sống của di sản của Lênin là trường tồn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Th.S Trần Hoài Sơn (Trường Chính trị tỉnh)