Ðộng lực để Nguyễn Tất Thành “rẽ sóng ra khơi”
Thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm quan tại Bình Ðịnh có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết tâm tìm đường cứu nước của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành.
Tại Di tích Huyện đường Bình Khê (thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) có bảng ghi rõ: “Tháng 4.1909, Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm vào Ban chấm thi hương Bình Định khoa thi năm Kỷ Dậu (ngày 16.3.1909 năm Duy Tân thứ 3, tức ngày 5.5.1909 dương lịch). Nguyễn Tất Thành cùng anh là Nguyễn Tất Đạt cùng theo cha vào Bình Định, đánh dấu những năm tháng đầu tiên của Nguyễn Tất Thành trên đất Bình Định. Ở Bình Định, anh không sống cùng với cha mà được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi sống cùng người bạn Phạm Ngọc Thọ làm trợ giáo Trường Pháp Việt Quy Nhơn để có điều kiện hoàn thiện chương trình tiểu học lớp cuối (Cours Supe’rieu). Sau này, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đi nhậm chức tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành có lên Bình Khê thăm cha.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI THU
Tuy thời gian ở với cha tại Bình Định không lâu, nhưng trong tâm trí Nguyễn Tất Thành, vùng đất và con người Bình Khê được anh giành một vị trí xứng đáng.
Bình Khê - Đồng Phó là nơi ba cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có những ngày sống bên nhau đẹp đẽ, để rồi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đi vào cuộc trường chinh đầy gian khổ cứu nước, cứu dân”.
Theo tác phẩm Nguyễn Tất Thành ở Bình Định (Đỗ Quyên chủ biên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Khoa học - Kỹ thuật Bình Định xuất bản, 1991), cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc đã gặp nhau ở Bình Định và Nguyễn Tất Thành đã lưu lại đây khá lâu, khoảng từ 18.5.1909 đến 30.6.1910 (cũng có giả thuyết cho rằng đến ngày 28.2.1910), tức là khoảng 9 đến 13 tháng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, được hun đúc từ mảnh đất Bình Định và người cha Nguyễn Sinh Sắc trong những ngày ông làm quan ở đây.
Trong thời gian ngắn ngủi làm tri huyện ở Bình Định, cụ Phó bảng tiếp tục là tấm gương sáng cho con trai về ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để đạt cho được mục tiêu. Cùng với đó là dấu ấn trong tư tưởng mới của một nhà nho cấp tiến, có nhân cách cao thượng. Cách cư xử khi làm quan ở huyện Bình Khê của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tiếp tục thể hiện rõ điều này. Cụ xem thường chuyện làm quan, đặc biệt là cách làm quan theo lối cổ xưa (phụ mẫu chi dân - cha mẹ dân). Quá trình làm quan của cụ ở Bình Định đã hé mở những tư tưởng dân chủ, đó là gần dân, thương dân, bênh vực những người dân nghèo, đau khổ trong xã hội, chống lại bọn tham quan, ỷ thế ức hiếp dân lành. Tấm gương này tác động mạnh đến quyết tâm tìm đường cứu dân, cứu nước của người con - biến tư tưởng thân dân của người cha thành hiện thực.
Mặt khác, Bình Định tiếp tục là nơi anh Nguyễn Tất Thành được trau dồi tiếng Pháp - phương tiện vô cùng quan trọng để giúp anh ra đi tìm đường cứu nước.
Như vậy, Bình Định và cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng lớn đến quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Từ đó, anh đã dũng cảm lựa chọn cho mình một con đường đi mới - đi sang phương Tây để tìm đường cứu dân, cứu nước. Đó là bước ngoặt quan trọng đầu tiên trên hành trình vạn dặm tìm ra chân lý cho dân tộc và thời đại: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho mỗi chúng ta hôm nay một bài học vô cùng sâu sắc: Quyết tâm, mạnh dạn tìm cho mình con đường mới, dù lắm chông gai song đi đúng hướng tất sẽ thành công.
LÊ VĂN MINH