Khắc phục hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai: Nỗ lực và thách thức
Sau khi UBND tỉnh kiểm tra, xử lý đối với 385 hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn năm 2019 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, Sở đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả của việc giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, rào cản.
Kết quả rà soát cho thấy, có 178/385 hồ sơ trễ hạn thuộc trách nhiệm của Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ). Số còn lại chậm trễ do sự phối hợp giữa các cơ quan với Sở TN&MT chưa tốt hoặc người sử dụng đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Các hồ sơ trễ hạn hầu hết nằm trong thời gian đầu Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đi vào hoạt động (từ 1.4 - 16.8.2019).
Tiếp nhận hồ sơ TTHC về đất đai tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Hoài Nhơn.
Theo Phó Chánh Văn phòng Sở TN&MT Hồ Đắc Khánh, trong khoảng thời gian này, quá trình giải quyết và luân chuyển hồ sơ trên hệ thống phần mềm của Trung tâm PVHCC tỉnh và việc luân chuyển hồ sơ giấy trên thực tế chưa đồng bộ. Trong quá trình thực hiện, Văn phòng ĐKĐĐ chưa theo dõi, đối chiếu giữa hồ sơ giấy và quản lý hồ sơ trên phần mềm hệ thống. Bên cạnh đó, do mới tiếp cận với phần mềm nên thao tác của viên chức Văn phòng ĐKĐĐ còn có thiếu sót.
Nỗ lực
Xác định rõ các nguyên nhân trễ hạn, Sở TN&MT đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục. Đầu tiên là củng cố và theo dõi chặt chẽ nhân sự làm việc ở Trung tâm PVHCC, tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được báo cáo lãnh đạo Sở 2 lần/tuần, hồ sơ nào có nguy cơ trễ hạn phải báo ngay cho bộ phận chuyên môn để tập trung giải quyết. Sở đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh triển khai áp dụng phần mềm theo dõi việc chuyển, tiếp nhận thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bên cạnh đó là triển khai hướng dẫn sử dụng phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate) và phần mềm văn phòng điện tử (Idesk) cho viên chức và người lao động tại Văn phòng ĐKĐĐ; phân công cụ thể trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xử lý, cập nhật, theo dõi việc giải quyết hồ sơ trên phần mềm VNPT-iGate và hồ sơ giấy.
“Việc ứng dụng phần mềm VNPT-iGate vào việc quản lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho người dân giúp đo lường được khối lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết đúng hạn, trễ hạn; giúp xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong việc giải quyết hồ sơ, để có biện pháp đôn đốc, khắc phục”, Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Đặng Hữu Bình cho hay.
Ngoài ứng dụng VNPT-iGate áp dụng chung, trong quá trình giải quyết hồ sơ, Văn phòng ĐKĐĐ còn ứng dụng một số phần mềm công nghệ thông tin khác vào việc cập nhật, quản lý hồ sơ địa chính. Đồng thời, Văn phòng còn xây dựng hệ thống kho bản đồ tập trung cho các huyện, kho quản lý trích lục, trích đo toàn tỉnh; triển khai hệ thống website quản lý cấp phát thửa trực tuyến tích hợp với phân hệ quản lý hồ sơ gốc, số vào sổ cấp GCN; phối hợp với VNPT Bình Định thực hiện sao lưu dữ liệu dự phòng và đồng bộ dữ liệu trên môi trường điện tử đám mây để phục vụ cho công tác cấp GCN trên toàn địa bàn tỉnh.
Thách thức
Theo thống kê của Trung tâm PVHCC tỉnh, từ ngày 17.8 - 27.12.2019, Sở TN&MT có 65/3.409 hồ sơ giải quyết trễ hạn, chiếm 1,9%; trong 3 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này giảm còn 1,1%. So với tỷ lệ 8,9% trong giai đoạn từ ngày 1.4 - 16.8.2019, đây là một bước tiến đáng kể.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình - Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh, những kết quả đạt được bước đầu nêu trên đã thể hiện được sự cố gắng, nỗ lực của Sở TN&MT trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém đã tồn tại qua nhiều năm. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, công tác kiểm soát TTHC của Sở TN&MT cũng có chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã hoàn thành việc trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố 117 TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 164 TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành TN&MT.
“Chúng tôi sẽ áp dụng nhiều giải pháp nhằm khuyến khích tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, giảm lượng hồ sơ nộp trực tiếp; tăng cường sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Trong đó hướng đến các ưu đãi như: Giảm thời gian giải quyết, ưu tiên giải quyết, luân chuyển thủ tục nộp trực tuyến sau khi tiếp nhận. Ðồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chi nhánh văn phòng ÐKÐÐ cấp huyện khắc phục tình trạng chậm trễ hồ sơ ở cấp huyện”.
Giám đốc Sở TN&MT LÊ VĂN TÙNG
Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng cho rằng, không thể chủ quan, hài lòng với những chuyển biến bước đầu đó. Bởi, quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu “nhanh chóng” luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, tổ chức; còn người giải quyết hồ sơ không thể vì thế mà bỏ qua yêu cầu “chặt chẽ, đúng pháp luật”.
Mặt khác, dù đã có nhiều quy định mới chặt chẽ hơn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết hồ sơ về đất đai vẫn còn những “điểm nghẽn”. Đó là chưa kể, hồ sơ về đất đai, nhất là cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân đòi hỏi phải có xác nhận của nhiều cơ quan liên quan tùy theo từng loại đất.
Thời gian đến, Sở TN&MT tiếp tục tăng cường chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc quán triệt đến công chức, viên chức và người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nắm vững quy trình giải quyết TTHC, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian giải quyết, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, công dân.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong giải quyết TTHC, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc giải quyết TTHC trễ hạn với nguyên nhân do lỗi chủ quan của công chức, viên chức thuộc Sở TN&MT. Trưởng các phòng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở khi để xảy ra tình trạng TTHC trễ hạn”, ông Tùng khẳng định.
MAI LÂM