Nghiên cứu phục vụ giảng dạy và đời sống
Cuối tháng 1.2020, Trường ÐH Quy Nhơn có 4 giảng viên được phong hàm phó giáo sư. Ðây cũng là 4 gương mặt tiêu biểu về nghiên cứu khoa học để tỉnh xét chọn tôn vinh “Trí thức tiêu biểu về KH&CN” năm 2020. Không chỉ nghiên cứu để phục vụ công tác giảng dạy, ở họ còn có niềm đam mê với khoa học phục vụ đời sống.
4 gương mặt tiêu biểu gồm: PGS.TS Nguyễn Minh Vương (SN 1983) chuyên ngành Vật lý, Khoa học và Kỹ thuật vật liệu; PGS.TS Lê Công Trình (SN 1980) chuyên ngành Toán học; PGS.TS Đoàn Đức Tùng (SN 1975) chuyên ngành Kỹ thuật điện và PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp (SN 1983) chuyên ngành Công nghệ sinh học.
Từ phải sang, PGS.TS Nguyễn Minh Vương (thứ 2), PGS.TS Lê Công Trình (thứ 3), PGS.TS Đoàn Đức Tùng (thứ 4) tại lễ trao quyết định phong hàm PGS đầu năm 2020.
Trong suốt quá trình nghiên cứu và giảng dạy, 4 giảng viên này đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu gắn liền với thực tế giảng dạy và thực tiễn cuộc sống. Hướng nghiên cứu đi sâu vào kỹ thuật y sinh học, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng bộ môn khoa Khoa học tự nhiên luôn một niềm đam mê khám phá với công nghệ hỗ trợ sinh sản ở người và động vật. Trong đó, tập trung vào nghiên cứu quy trình kỹ thuật để có thể tăng chất lượng của tinh trùng, trứng, phôi khi lưu trữ đông lạnh trong ngân hàng. Không những thế, chị còn tham gia cùng nhóm nghiên cứu tại Pháp về nghiên cứu phát hiện dị tật thai nhi trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu rủi ro cho trẻ… “Tôi mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm và đưa những kỹ thuật nghiên cứu trên về Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp chia sẻ.
Hơn 7 năm học tập và nghiên cứu tại khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc), PGS.TS Nguyễn Minh Vương, Trưởng bộ môn Vật Lý - Khoa học vật liệu, khoa Khoa học tự nhiên luôn ấp ủ mong muốn thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ tỉnh. Đây là lý do thôi thúc anh thực hiện đề tài khoa học: “Tăng cường hiệu suất nhạy khí của cảm biến hoạt động ở nhiệt độ thấp dựa trên biến tính bề mặt vật liệu nano ZnO có cấu trúc phân nhánh”. Anh tâm niệm: “Nghiên cứu khoa học là phải tạo ra những sản phẩm thật sự hữu ích, đóng góp cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, KT-XH của tỉnh”.
Trong khi đó, với PGS.TS Lê Công Trình - Trưởng khoa Toán và Thống kê, nghiên cứu về lý thuyết kỳ dị là công trình nghiên cứu được anh đeo đuổi, dù đây là vấn đề mới ở Việt Nam. Hiện lý thuyết này mới chỉ đưa vào giảng dạy cho học viên cao học tại Viện Toán học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH Đà Lạt. Tại Bình Định, PGS.TS Lê Công Trình là một trong 2 trường hợp đào tạo ở nước ngoài về lý thuyết này.
Đáng chú ý là PGS.TS Đoàn Đức Tùng, Trưởng phòng Cơ sở vật chất, với đề tài “Nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm ảo về Lý thuyết mạch” đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảng dạy, giúp học viên có được một không gian lý tưởng để làm các thí nghiệm thực hành về lý thuyết mạch, từ đó hình dung và nắm bắt bài giảng rõ ràng hơn. Thực tế ảo là xu thế mới xuất hiện vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và khá mới mẻ tại Bình Định. Đó là một môi trường được mô phỏng bằng máy tính, hình ảnh hiển thị trên màn hình thông qua kính nhìn ba chiều, với sự hỗ trợ đa giác quan như thị giác, thính giác hoặc xúc giác, đem đến cho người học trải nghiệm chân thật. Sau quá trình triển khai tại trường, đề tài tiếp tục được chuyển giao cho các trường học trong và ngoài tỉnh. “Khi xây dựng một đề tài khoa học, điều chúng tôi hướng đến là làm sao để sinh viên kết hợp được lý thuyết và thực hành, qua đó giúp các em tìm được niềm cảm hứng, đam mê với khoa học. Quan trọng hơn, nghiên cứu khoa học cũng phải tạo ra những sản phẩm thật sự hữu ích, đóng góp cho sự phát triển khoa học, phát triển KT-XH của tỉnh”, PGS.TS Đoàn Đức Tùng chia sẻ.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: 4 giảng viên được phong hàm PGS nói trên nằm trong lực lượng đội ngũ làm khoa học hùng hậu của nhà trường, với 35 PGS và 38 TS. Những năm gần đây, nhà trường chuyển hướng đào tạo gắn liền với ứng dụng thực tế. Trên cơ sở đó, nhà trường phát triển đội ngũ giảng viên kết hợp đào tạo và nghiên cứu ứng dụng, để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu nhân lực của thị trường, tạo tiền đề giải quyết hiệu quả “đầu ra” của sinh viên.
HỒNG HÀ