Bài học về sự dấn thân vì dân vì nước
Năm 2020, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng tròn 110 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bình Ðịnh, bắt đầu hành trình “hướng đích” theo lời răn dạy của người cha, nhà trí thức phong kiến yêu nước, thương dân Nguyễn Sinh Sắc: “Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải nên làm”. Ðây là sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong giáo dục đối với thế hệ trẻ.
Bài học về trao truyền niềm tin
Sự chuyển giao thế hệ, trao truyền niềm tin cho thế hệ trẻ là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của Đảng ta.
Thanh niên ở bất cứ thời đại nào đều là lực lượng tiên phong của xã hội, họ luôn nhạy cảm với cái mới, với hoài bão và ước mơ lớn lao. Những đặc tính vượt trội đó của thanh niên chỉ có thể được phát huy một khi được thế hệ đi trước tin tưởng, gửi gắm. Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cùng nhiều chí sĩ cách mạng thế hệ trước đã làm được điều này khi đã nhận thức đúng quy luật “tre già măng mọc” để mạnh dạn chuyển giao trọng trách cho thế hệ trẻ và tin tưởng vào sự thành công của họ.
Tuổi trẻ Đoàn khối Các cơ quan tỉnh dâng hoa Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: MAI LÂM
Lời dặn của Nguyễn Sinh Sắc: “Nước mất, hãy đi tìm nước, chớ đi tìm cha”, hay nhận xét và sự tin tưởng của Phan Châu Trinh về Nguyễn Ái Quốc: “… như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông… không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ (ý chỉ chủ nghĩa Mác - Lênin) sẽ thâm căn cố đế (sâu rễ bền gốc) trong đám dân tình chí sĩ nước ta…” là những minh chứng lịch sử cho truyền thống tốt đẹp đó.
Và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tự tin tiếp nhận sự bàn giao, hoàn thành trọng trách đó bằng những phẩm chất, năng lực vượt trội của mình. Đúng như Phan Bội Châu từng dự cảm một cách lạc quan rằng: “Nếu trên bầu trời nước Việt ta hiện thời có ngôi sao nào tỏa sáng, đủ sức đưa cách mạng đến đài vinh quang… thì ngôi sao ấy chính là Nguyễn Ái Quốc - ấy chính là con cháu của ta vậy”.
Hun đúc ý chí và tinh thần “khởi nghiệp”, dấn thân
Cuộc khủng hoảng về tư tưởng và đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX là trăn trở, ưu tư của nhiều nhà cách mạng theo những khuynh hướng chính trị khác nhau, trong đó có Nguyễn Sinh Sắc. Chính trong sự bế tắc, bất lực trước nhiệm vụ lịch sử, họ đã không buông xuôi, bi quan, chán nản mà trái lại đã lạc quan, tin tưởng thổi bùng ngọn lửa, hun đúc ý chí, nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ. Trước hết, phải thật sự dấn thân, tìm đường, mở lối thông qua những hành động cụ thể, thiết thực “làm việc gì có lợi cho dân cho nước thì phải nên làm” như lời cụ Phó bảng dặn dò con trai lúc chia tay.
Nguyễn Tất Thành đã “khởi nghiệp” với phương châm “làm bất cứ việc gì có thể làm được”, từ phụ bếp, bồi bàn đến người thợ hầm lò, công nhân xưởng in, thư ký hãng buôn… để lao động, kiếm sống, học tập. Song quan trọng hơn là để hòa nhập, thấu hiểu, đồng cảm với đời sống của những người cần lao, từ đó tìm con đường giải phóng cho chính họ.
Và, hành động “đi tìm hình của nước/tìm đường đi cho dân tộc theo đi” (Người đi tìm hình của nước, thơ Chế Lan Viên) của Nguyễn Tất Thành đầu thế kỷ XX đã trở thành động lực cho thế hệ trẻ hôm nay mạnh dạn khởi nghiệp. Thuật ngữ “thanh niên khởi nghiệp”, “quốc gia khởi nghiệp”, “tinh thần khởi nghiệp”, “hệ sinh thái khởi nghiệp” đã quen thuộc trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đã có không ít sự loay hoay, dò dẫm, thậm chí bế tắc trong khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ. Nên chăng, hãy khởi nghiệp bằng tinh thần và ý chí dấn thân, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản và thiết thực cho bản thân, gia đình để lập thân, lập nghiệp, giúp ích cho đời. “Khởi nghiệp” cần được hiểu một cách ngắn gọn nhất - “ý tưởng lớn bắt đầu từ những việc rất nhỏ”.
* * *
Mong rằng, sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định 110 năm trước sẽ là chất liệu vô giá cho những nỗ lực hướng đích của chúng ta hôm nay trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về sự gắn kết giữa tình phụ tử, tình cảm gia đình với tình yêu quê hương đất nước; về sự tri ân đối với những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh và sự kỳ vọng lớn lao, gửi gắm tha thiết của bậc tiền nhân đối với lớp hậu sinh.
HỒ XUÂN QUANG