CHỈ SỐ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC:
Nhìn thẳng thực tế để khắc phục hạn chế
Kết quả điều tra xã hội học xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 cho thấy sự giảm sút đáng kể ở nhiều nội dung thành phần.
5 nội dung thành phần gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính (TTHC); sự phục vụ của công chức, viên chức; kết quả giải quyết công việc; tiếp nhận và xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.
TX An Nhơn dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính với số điểm 76,1%.
- Trong ảnh: Làm CMND cho người dân ở TX An Nhơn.
Chỉ số hài lòng giảm
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh năm 2019 đạt giá trị trung bình 74,2%, thấp hơn chỉ số năm 2018 (84,6%).
Trong 5 nội dung được lựa chọn để đánh giá thì có đến 4 nội dung có chỉ số hài lòng thấp hơn năm 2018 (trừ nội dung tiếp cận dịch vụ). Điều đó cho thấy, mặc dù Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đi vào hoạt động nhưng yêu cầu của người dân và tổ chức ngày càng cao, nên các đơn vị phải có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. Trong đó, quan trọng nhất là mở rộng các hình thức tiếp cận thông tin dịch vụ hành chính công, đơn giản hóa TTHC...
Theo kết quả xếp hạng, 3 cơ quan có kết quả khảo sát đạt tỷ lệ hài lòng trên 80% là Sở Nội vụ, Tài chính, TT&TT; 4 cơ quan dưới 70% là Sở Y tế, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, TN&MT; 10 cơ quan còn lại từ 70% đến dưới 80%. Riêng Văn phòng UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Thanh tra tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh do đặc thù của ngành hoặc số lượng mẫu không đảm bảo điều kiện để khảo sát nên không chấm điểm tại nội dung này.
Kết quả đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh, cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý về công tác cải cách hành chính (CCHC) đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh năm 2019 có kết quả khá tương đồng với công tác thực hiện CCHC. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính và Sở Nội vụ là 3 đơn vị được đánh giá cao nhất; Sở TN&MT và Ban Dân tộc tỉnh có số điểm đánh giá thấp nhất.
Trong khi đó, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của khối UBND cấp huyện đạt giá trị trung bình là 66,6%, cũng giảm đáng kể so với năm trước (88,2%). Tất cả 5 nội dung thành phần đều có chỉ số hài lòng thấp hơn năm 2018.
Theo kết quả xếp hạng, 5 địa phương có kết quả khảo sát đạt tỷ lệ hài lòng trên 70% gồm: An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn và Hoài Nhơn.
4 địa phương có kết quả từ 65% đến dưới 70% là: Phù Cát, Tuy Phước, Quy Nhơn, Vân Canh. 2 địa phương đạt dưới 65% là Vĩnh Thạnh và An Lão.
Chỉ số khảo sát, đánh giá của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý về công tác CCHC đối với khối UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2019 đạt 57%, cao hơn kết quả khảo sát năm 2018 (43,8%). Quy Nhơn là địa phương được đánh giá cao nhất với 71,2%, tiếp đến là An Nhơn và Hoài Nhơn; Vân Canh và Vĩnh Thạnh có kết quả đánh giá thấp nhất khối.
Khách quan, sát thực tế
Thang điểm đánh giá của chỉ số CCHC năm 2019 đối với các cơ quan, đơn vị là 100 điểm; trong đó, điểm tự đánh giá là 75 điểm, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 25 điểm.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, sự kết hợp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN với đánh giá chỉ số CCHC đã giúp cho việc đánh giá có tính tổng hợp, toàn diện. Nhờ đó, kết quả chỉ số CCHC vừa phản ánh được mục tiêu, yêu cầu đặt ra của CCHC, vừa phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.
Trong lần đầu tiên tham gia điều tra theo sự phân công của UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc. “Lãnh đạo, điều tra viên được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra. Các kiểm soát viên cũng được tập huấn kỹ càng để thực hiện tốt khâu hậu kiểm”, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phan Thị Lê Hoa cho hay.
Ông Lâm Hải Giang cho rằng, sự tham gia của Bưu điện tỉnh đã giúp việc điều tra xã hội học có tính độc lập, bảo đảm khách quan, minh bạch trong việc đánh giá. Việc triển khai điều tra xã hội học với 900 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và 3.100 người dân, đại diện tổ chức thể hiện đây là một cuộc điều tra có tính toàn diện, đa dạng trong thu thập thông tin.
“Hoạt động này được tổ chức chặt chẽ, hệ thống; trong thời gian triển khai tương đối ngắn đã thu được số lượng phiếu cao so với mục tiêu đề ra. Sự đổi mới, tăng cường công tác theo dõi, giám sát của Sở Nội vụ đối với quá trình tổ chức điều tra xã hội học đã góp phần làm cho kết quả đạt được có tính khách quan, sát với thực tế hơn”, ông Giang nói.
MAI LÂM