Gắn nghiên cứu với ứng dụng thực tế
Ra đời tháng 9.2016, Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (Trường ÐH Quy Nhơn) đã hoạt động tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu. Với định hướng nghiên cứu ứng dụng, tổ chức khoa học này đã “sống tốt” với nhiều sản phẩm nghiên cứu được đưa ra thị trường.
Đội ngũ nhân viên làm khoa học của Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (Trường ĐH Quy Nhơn).
Các lĩnh vực thế mạnh của Viện gồm có: Công nghệ thông tin, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ GIS và viễn thám, nông nghiệp công nghệ cao, xử lý môi trường... Nhiều sản phẩm KH&CN đã được thị trường đón nhận nhờ tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường cho biết, sự phát triển của các tổ chức KH&CN độc lập, trong đó có Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN cùng đóng góp cho sự phát triển chung về khoa học của tỉnh. Bên cạnh cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động, DN khi triển khai nghiên cứu sản phẩm khoa học cũng cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, phù hợp với chính sách quản lý nhà nước từ cấp chuyên ngành, để đáp ứng cung - cầu sản phẩm.
Đặc biệt, các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực y tế đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị như: Nghiên cứu về hệ thống phần mềm lưu trữ, truyền nhận và xử lý hình ảnh y tế (QNPACS); hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu xét nghiệm y tế (QNLIS); hệ thống điểm danh tự động dựa trên nhận dạng khuôn mặt (QNFR); hệ thống quản lý và phân tích dữ liệu xét nghiệm, thí nghiệm; hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng dịch vụ và mở rộng. Trong đó, phần mềm QNPACS đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2017 và là sản phẩm duy nhất thuộc lĩnh vực PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) nhận giấy khen của Hội thi Y tế thông minh 2018 do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phối hợp Hội Tin học Việt Nam tổ chức. Đến nay, hệ thống đã được triển khai tại một số cơ sở y tế trong tỉnh.
Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho biết: QNPACS và QNLIS được triển khai tại trung tâm năm 2019, với hiệu quả chuyển tải hình ảnh y tế đến các khoa lâm sàng góp phần hiện đại hóa công tác khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho bệnh nhân. Đồng thời, bổ sung những giải pháp mới trong công nghệ, giúp kiểm soát tốt tình trạng thất thoát tiền khám chữa bệnh. “Khi TTYT TX An Nhơn trở thành một trong hai đơn vị y tế của tỉnh được chọn triển khai thí điểm bệnh án điện tử, buộc phải chuyển sang sử dụng phần mềm PACS và LIS của nhà mạng Viettel để đồng bộ hóa hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện (HIS) của Viettel, nhưng có thể nói hiệu quả của QNPACS không thua một số phần mềm tương tự đang triển khai của Viettel, eFilm...”, ông Bình nhấn mạnh.
Còn ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, chia sẻ: Bệnh viện đang sử dụng phần mềm QNPACS của Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN thấy khá tiện ích, giúp quản lý hiệu quả và rút ngắn thời gian khám chữa bệnh. Phần mềm có thể chia sẻ nhanh hình ảnh phim chụp của bệnh nhân tới các máy tính trong bệnh viện, lưu trữ ảnh phim của bệnh nhân bằng các file hình nhỏ gọn, tiện lợi, dễ sử dụng và dễ tương tác.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi sử dụng phần mềm QNPACS xem kết quả chụp phim của bệnh nhân.
Điều đáng nói, QNPACS là kết quả nghiên cứu đề tài được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai. Và ngay trong năm 2017, sau 3 tháng nghiệm thu, sản phẩm nghiên cứu đã thương mại hóa thành công tại nhiều bệnh viện trong nước. TS Lê Thị Kim Nga, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN, chia sẻ: Phần mềm QNPACS sẽ được phát triển theo hướng chuyên sâu như dựng mô hình 3D của mạch máu, các tạng đặc trưng trong cơ thể, áp dụng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy vào tầm soát bệnh, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác hơn.
TS Nga cho hay, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển các sản phẩm công nghệ phù hợp với phát triển KT-XH của địa phương. Hiện, chúng tôi đang đẩy mạnh các dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc như xây dựng hệ thống bảo tàng ảo cho Bảo tàng Quang Trung; nghiên cứu kéo dài thời hạn sử dụng bánh ít lá gai Bình Định; nghiên cứu xây dựng mô hình gan, tính toán thể tích và phát hiện bất thường trên vùng gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh chụp CT-Scanner vùng ổ bụng. Viện cũng tập trung cho các nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thị giác máy vào phát triển y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh, giám sát tự động, đặc biệt là dự án phát triển người máy.
Tuy nhiên, bà Nga trăn trở trên thực tế các sản phẩm KH&CN của Viện dù phát triển và chuyển giao, thương mại hóa khá tốt ở nhiều địa phương trong nước thì riêng Bình Định còn khá hạn chế. “Điều chúng tôi mong muốn là những kết quả nghiên cứu của Viện được ứng dụng chuyển giao, đóng góp vào KH&CN phát triển KT-XH của tỉnh nhà”, bà Nga bày tỏ.
HỒNG HÀ