“Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
Ở Hồ Chí Minh, tình yêu quê hương, đất nước, con người luôn thường trực và là lẽ sống của Người.
1. Quê hương, đất nước con người Việt Nam đã hun đúc, bồi đắp lòng yêu nước ở Hồ Chí Minh và chủ nghĩa yêu nước là yếu tố đầu tiên để Người có động lực ra đi tìm đường cứu nước. Đến khi Người gặp được ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, đã làm sáng lên con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Bác Hồ về thăm quê xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An năm 1957. ẢNH TƯ LIỆU
Có thể trong hành trình 30 năm đi tìm vị trí cho dân tộc Việt Nam, trong trái tim và khối óc của Người luôn lắng đọng những hình ảnh của quê hương, ấy có thể là dòng sông Lam, sông Hương, ấy cũng có thể là dòng sông Côn, là các địa danh như Dục Thanh, như cảng Nhà Rồng… Quê hương ở Hồ Chí Minh là gần gũi, là cụ thể. Người mong muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ tình yêu quê hương, đất nước, là hành trang ban đầu của Hồ Chí Minh, đến khi tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã có được hành trang cần thiết để thực hiện ước mơ hoài bão cho dân tộc Việt Nam.
2. Trong bài nói chuyện tại lớp Nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Bản thân Bác luôn là tấm gương sáng cả trong lời nói và hành động về tình yêu thương con người, trân trọng, quý mến nhân dân. Năm 1945, phát xít Nhật, cùng thực dân phong kiến đã gây ra nạn đói làm 2 triệu người chết. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó mỗi bữa một bơ để cứu giúp dân nghèo”.
Trong các bài viết, các tác phẩm của Bác đều toát lên tình người, từ những bài viết trên báo Le Paria (Người cùng khổ) những năm lăn lộn với những cuộc đời lao khổ ở nước ngoài đến tác phẩm cuối đời của Bác là Di chúc đều thể hiện rõ điều đó.
Tình yêu đối với quê hương, đất nước, dân tộc, tình yêu đối với con người ở Bác luôn hòa quyện với nhau, gắn bó với nhau. Yêu đất nước gắn với yêu con người. Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, ở điều 1, Bác chỉ rõ: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Có yêu Tổ quốc, đồng bào thì mới ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu để giúp nước, giúp đồng bào. Rất logic, biện chứng.
Trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, điều 4 Bác nhấn mạnh: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Đây chính là tư cách người Công an nhân dân, phục vụ nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ sự bình yên của nhân dân.
Trong lời khen tặng của Bác với Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Từ lời nói đến hành động, ở Hồ Chí Minh là thống nhất, tình yêu quê hương, đất nước, con người luôn là động lực để Người phấn đấu, dấn thân, hy sinh.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, càng giúp mỗi chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân mình về chức trách, về nhiệm vụ được giao, nhất là việc học tập và làm theo tấm gương của Bác đối với việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Càng khẳng định về những giá trị cao đẹp, những công lao to lớn của Hồ Chí Minh đối với đất nước Việt Nam, đối với nhân dân Việt Nam.
Ở Hồ Chí Minh: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. (*)
Nguyễn Tùng Lâm
-----------------------------------
(*) Thơ Tố Hữu