Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho DN
(BĐ) - Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại các DN trên địa bàn tỉnh” diễn ra tại Trường ĐH Quy Nhơn vào ngày 14.5, đã trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng hoạt động ĐMST của 200 DN trên địa bàn tỉnh và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ để đẩy mạnh hoạt động này trong DN thời gian tới.
Các đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo.
Đây là kết quả của quá trình phối hợp nghiên cứu giữa các giảng viên của khoa Kinh tế và Kế toán (Trường ĐH Quy Nhơn) với cán bộ, viên chức của Trung tâm Phân tích và Đo lường chất lượng Bình Định (Sở KH&CN) suốt 18 tháng qua dựa trên 5 khía cạnh (ĐMST về sản phẩm, quy trình sản xuất, tổ chức quản lý, marketing, công nghệ). Đồng thời, nghiên cứu cũng đã xác định hàm hồi quy các nhân tố có ảnh hưởng đến năng lực ĐMST của các DN, bao gồm cả các nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài DN. Nghiên cứu cũng đã khảo sát đánh giá của 100 người tiêu dùng về hoạt động ĐMST của các DN trên các khía cạnh đổi mới về sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ và đổi mới về marketing/bán hàng.
Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, hoạt động ĐMST về sản phẩm, quy trình sản xuất, tổ chức quản lý chỉ mới ở mức trung bình; đổi mới về marketing đạt mức trung bình cao, còn đổi mới về công nghệ ở mức độ trung bình thấp. Bên cạnh đó, người lao động trong DN chưa mạnh dạn và chủ động đưa ra các đề nghị/đề xuất hoàn thiện công việc một cách sáng tạo theo tinh thần dám nghĩ, dám làm; việc đầu tư cơ sở dữ liệu, phòng họp để trưng bày, chia sẻ tri thức là có thực hiện nhưng ở mức độ hạn chế; việc hợp tác với các trường đại học/hoặc các tổ chức nghiên cứu, tư vấn thiết kế, chuyển giao công nghệ thì chưa thực sự quan tâm và chú trọng…
NGỌC NGA