Bộ đôi mê nghiên cứu khoa học
Tại Hội thi sáng tạo khoa học cho học sinh khối THCS cấp huyện năm 2019, sản phẩm “Nghiên cứu chế tạo dung dịch sinh học bảo quản hoa quả chiết xuất từ vỏ tôm và lá trà dung” của hai em Trần Đăng Khoa (lớp 7A3) và Lê Bùi Phương Thảo (lớp 9A4), Trường THCS Thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) được xếp hạng nhì và được chọn để tham gia Hội thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh năm 2020.
Đăng Khoa chia sẻ, ý tưởng về sản phẩm nảy sinh rất tình cờ. Trong tiết học về loài giáp xác, có bạn đặt câu hỏi: Vì sao bình thường vỏ tôm có màu đà và trắng, nhưng khi nấu lên lại thành màu đỏ. Cô giáo giải thích: Vỏ tôm chứa nhiều chất Chitin. Từ chất này có thể chế tạo ra nhiều chất khác như Chitosan, được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực y tế, đặc biệt là bảo quản thực phẩm. Điều này làm em suy nghĩ. Áp dụng kiến thức đã học và tra cứu thêm trên mạng internet, được cô Trịnh Thị Mỹ Hạnh (giáo viên môn Sinh học của trường) hướng dẫn, cùng sự đồng hành của bạn Lê Bùi Phương Thảo, sau 2 tháng nghiên cứu, sản phẩm mới hoàn thành.
Trần Đăng Khoa và bạn bè đang thực hiện một thí nghiệm.
Nhờ sự kết hợp giữa chất Chitosan chiết xuất từ vỏ tôm với chất Polyphenols từ lá trà dung, sản phẩm có khả năng kháng oxy hóa và kháng khuẩn mạnh, nhờ đó có thể bảo quản hoa quả từ 10 - 15 ngày, gấp 2 - 3 lần so với thông thường, ngăn chặn xuất hiện nấm mốc, đốm thâm, chất lượng hoa quả không biến đổi. Ý nghĩa quan trọng của sản phẩm là nâng cao giá trị sử dụng phế liệu (vỏ tôm), góp phần làm sạch môi trường, chống biến đổi khí hậu; đồng thời, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho cây trà dung, một loại thực vật có nhiều ở vùng núi rừng xã Canh Liên. Hai em cho biết đã đem dung dịch giới thiệu với một số chủ sạp trái cây, các cô bác đồng ý dùng thử và đều cho biết đạt hiệu quả tốt.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, chủ sạp bán trái cây ở chợ Vân Canh, cho biết: “Buổi sáng tôi dùng bình phun sương một lớp dung dịch sinh học lên trái cây. Nhờ đó, trái cây để cả ngày vẫn tươi đẹp. Dùng dung dịch này, trái cây có thể bảo quản lâu hơn bình thường, không nấm mốc, đốm thâm, vẫn đảm bảo độ ngọt, thơm ngon”. Được biết, hiện loại dung dịch sinh học bảo quản hoa quả kể trên đã được gởi tới Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Đà Nẵng) để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, sau đó sẽ tìm nhà đầu tư để sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường.
Hai em Đăng Khoa và Phương Thảo là học sinh khá giỏi, có kiến thức sâu rộng về môn Sinh học và Hóa học, đặc biệt đam mê nghiên cứu khoa học. Hy vọng thành công kể trên sẽ tạo động lực để các em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
HỒNG HÀ