Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Các đơn vị, cơ sở nhỏ rất tích cực
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Ðịnh, tình hình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tăng trưởng về quy mô và đa dạng các giải pháp thanh toán. Ðặc biệt các đơn vị, cơ sở nhỏ rất tích cực.
Đến hết ngày 31.12.2019, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh lắp đặt 212 máy ATM, 849 máy POS-ATM, phục vụ nhu cầu thanh toán thẻ của hơn 1 triệu chủ thẻ, giá trị giao dịch bằng thẻ đạt 28.504 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018.
Nhằm tạo thêm thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán, Phòng Công chứng Thanh Bình (284 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đã lắp máy POS-ATM.
Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở khu vực nông thôn phát triển khá tích cực. Số máy ATM đặt tại khu vực nông thôn là 16 máy (tăng 2 máy so với cuối năm 2018) với giá trị giao dịch là 1.302 tỷ đồng (tăng 5,02%). Số máy POS tại khu vực là 22 máy (tăng 2 máy), giá trị giao dịch tăng 24,3%. Đó là chưa kể việc TTKDTM qua các nền tảng khác chưa thể thống kê.
Chia sẻ về thúc đẩy TTKDTM, ông Đặng Kiều Hưng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietinbank Bình Định), phân tích: TTKDTM không phải là việc riêng của các ngân hàng thương mại như nhiều người vẫn nhầm. Các DN, các điểm cung cấp dịch vụ, nói chung là bên bán phải năng động đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phía ngân hàng chúng tôi chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Ngân hàng có mở ra nhiều dịch vụ đến mấy mà bên bán không tạo điều kiện thanh toán thì cũng như không. Hơn nữa, cả chúng tôi và bên bán cùng phối hợp để hướng dẫn, tập cho người tiêu dùng quen dần với TTKDTM. Nên nhớ rằng, TTKDTM không phải chỉ dành riêng cho khách hàng trẻ, giao dịch nhiều, hay phụ thuộc vào nền tảng công nghệ hiện đại. TTKDTM dành cho mọi đối tượng, với tất cả các quy mô thanh toán và là xu hướng không thể đảo ngược.
Trên quan điểm đó, từ năm 2018, Vietinbank đã đưa ra giải pháp rút tiền mặt tại máy ATM mà không cần có thẻ. Khách hàng thực hiện giao dịch với mã lệnh xác thực OTP qua điện thoại trên hệ thống máy ATM của Vietinbank. Đến đầu năm 2020, Vietinbank tiếp tục nâng cấp tiện ích, đưa ra thêm giải pháp rút tiền bằng mã QR tại các trụ ATM qua ứng dụng iPay Mobile. Từ ngày 28.5.2020, Vietinbank Bình Định triển khai giao dịch rút tiền bằng mã QR tại tất cả các máy ATM của đơn vị trên địa bàn tỉnh. Vietinbank Bình Định cũng là một trong những ngân hàng TMCP tăng cường liên kết với các ví điện tử, các đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn tỉnh, gia tăng độ phủ sóng, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Nói về việc thúc đẩy TTKDTM, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), chia sẻ: Mục tiêu của Agribank Bình Định là tiếp tục nâng cấp tiện ích, phục vụ khách hàng, chú trọng nhóm khách hàng khu vực nông thôn- khu vực có tiềm năng rất lớn chưa khai thác hết. Trong 4 tháng đầu năm, Agribank liên tục đưa ra nhiều tiện ích mới trên ứng dụng E-Mobile banking, trong đó có tiện ích thanh toán hóa đơn (điện, nước) cho khách hàng khu vực nông thôn. Cuối tháng 5 vừa qua, Agribank Bình Định lắp đặt máy rút, gửi tiền tự động - CDM đầu tiên tại chi nhánh, giúp khách hàng giảm thời gian giao dịch, tăng trải nghiệm, tương tác. 5 tháng đầu năm 2020, ghi nhận từ Agribank Bình Định, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ E-Mobile banking tăng lên 6.679 khách hàng so với đầu năm, tập trung ở các huyện Phù Mỹ (tăng 1.100 khách hàng), Tuy Phước (tăng 1.098 khách hàng), Hoài Nhơn (tăng 598 khách hàng), Hoài Ân (tăng hơn 500 khách hàng).
Để giữ đà và tăng tốc TTKDTM, tại cuộc họp trực báo ngành ngân hàng Bình Định vào tháng 5.2020, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng cần tăng cường phổ biến, áp dụng các giải pháp TTKDTM. Cùng với đó cần mở rộng dịch vụ, thiết lập thêm tiện ích, quảng bá và hướng tới mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận. Với định hướng này chắc chắn sắp tới sẽ xuất hiện nhiều dịch vụ có tính đột phá trong TTKDTM.
● Khối ngành Tài chính tỉnh dẫn đầu về giao dịch không dùng tiền mặt. Ðến hết tháng 12.2019, trên địa bàn tỉnh có 27/31 ngân hàng phối hợp với Cục Thuế tỉnh cung cấp dịch vụ thu hộ thuế điện tử, đạt 98%, tăng 12,28% so với cuối năm 2018. Có 22/31 ngân hàng phối hợp với Tổng Cục Hải quan cung cấp dịch vụ thu thuế điện tử, thuế thông quan, đạt 99,5%. Thanh toán tiền điện qua hệ thống ngân hàng đạt 58,7%; thanh toán tiền nước đạt 23%. Ðến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 3 trường đại học, cao đẳng, 10 bệnh viện, TTYT triển khai thanh toán học phí, viện phí điện tử.
● Phí thanh toán đang là rào cản lớn. Ông Dương Hiệp Hòa, Chánh Văn phòng UBND TP Quy Nhơn, cho hay, việc ngân hàng thu phí đối với đơn vị chấp nhận thẻ khi thanh toán qua máy POS-ATM đang là trở ngại trong thực hiện TTKDTM đối với dịch vụ công. Ví dụ, các khoản phí, lệ phí liên quan đến đất đai có mức thanh toán rất lớn, nếu chấp nhận TTKDTM thì số phí dịch vụ mà cơ quan nhà nước phải trả rất cao, các quy định pháp luật lại chưa chấp nhận khoản chi này.
● Ví điện tử được người dùng quan tâm. Khảo sát trên địa bàn tỉnh, một số đơn vị kinh doanh dịch vụ chấp nhận thanh toán qua ví điện tử (chủ yếu là ví MoMo, Payoo, Moca...) như hệ thống siêu thị Co.op mart, cửa hàng kinh doanh thực phẩm như KFC, Jollibe, xe ôm công nghệ Grab, chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart. Hiện các ngân hàng TMCP tích cực liên kết qua ví điện tử, trong đợt hưởng ứng ngày không dùng tiền mặt Việt Nam 16.6, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Ðịnh (HD Bank Bình Ðịnh) có chương trình ưu đãi, tặng quà chủ thẻ HD Bank khi liên kết tài khoản với ví điện tử MoMo.
THU DỊU