Dự án CRIEM & đồng bào dân tộc thiểu số: Cơ hội để thích ứng với biến đổi khí hậu
Cùng với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, tỉnh Bình Ðịnh được chọn tham gia Dự án “Xây dựng chính sách hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số” (Dự án CRIEM). Ðây được xem là cơ hội tốt để đồng bào thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Vĩnh Thạnh gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cứ đến mùa mưa bão, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm sạt lở, hư hại nhiều công trình giao thông, đường sá, cầu cống; ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp… Khi Vĩnh Thạnh được chọn tham gia Dự án CRIEM, lãnh đạo huyện và người dân địa phương rất phấn khởi.
An Lão là một trong 3 huyện miền núi được chọn tham gia Dự án CRIEM.
- Trong ảnh: Một góc rừng được bảo vệ tốt ở xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
Dự án CRIEM có tổng vốn đầu tư khoảng 170 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và viện trợ không hoàn lại là 150 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 20 triệu USD. Dự án được triển khai sẽ giúp đồng bào DTTS thích ứng với BĐKH, giảm thiểu khó khăn do BĐKH gây ra, đồng thời tạo tiền đề cho những bước phát triển về KT-XH và bảo tồn bản sắc văn hóa. Theo ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh (Chủ dự án), suốt 10 năm qua, cũng như các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai do tác động của BĐKH. Vì vậy, việc Bình Định được chọn tham gia Dự án CRIEM là rất ý nghĩa.
Dự án CRIEM tại Bình Định có 3 hợp phần: Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS; nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng BĐKH. Tổng mức đầu tư dự án là trên 39,5 triệu USD; trong đó, vốn vay ưu đãi của ADB là 29 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD, và vốn đối ứng của tỉnh hơn 9,5 triệu USD. Dự án sẽ được triển khai tại địa bàn 4 huyện: Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh và Hoài Nhơn.
Cụ thể, hợp phần 1 gồm 3 tiểu dự án: Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông liên huyện Vĩnh Thạnh, kết nối QL 19 và huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai; Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông liên xã từ thôn Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp đến làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh; Sửa chữa, nâng cấp đường liên xã An Hưng đi Tam Quan, Hoài Nhơn. Hợp phần 2 có 1 tiểu dự án là Xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện An Lão (bao gồm xây dựng 6 hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn 6 xã của An Lão, sửa chữa, nâng cấp khu nhà máy xử lý và mở rộng mạng lưới đường ống của hệ thống cấp nước sinh hoạt Sông Vố để cấp nước cho thị trấn An Lão và xã An Tân, An Hòa). Hợp phần 3 là hỗ trợ lắp đặt các hệ thống để dự báo và theo dõi các sự kiện khí hậu cực đoan nhằm cung cấp thông tin cho quy hoạch, đầu tư và quản lý hạ tầng.
Ông Bùi Tấn Thành cho biết thêm: CRIEM là một dự án có ý nghĩa đối với các huyện miền núi, trong đó có Vĩnh Thạnh, vì vậy, thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tích cực phối hợp với Ban quản lý Dự án CRIEM Trung ương và Ban quản lý Dự án tỉnh…
Còn theo ông Tô Tấn Thi, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ Chủ dự án, thời gian qua, Ban quản lý đã nỗ lực triển khai công tác khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án CRIEM… Hy vọng rằng, Dự án CRIEM sẽ là cơ hội để đồng bào DTTS trong tỉnh thích ứng với BĐKH.
VIẾT HIỀN