Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới, phát triển
(BĐ) - Sáng 5.6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng, đại diện các sở, ngành liên quan cùng một số DN trong tỉnh tham dự.
Quang cảnh dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) (EVFTA) có hiệu lực thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% KNXK của Việt Nam sang thị trường này. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% KNXK), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% KNXK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ sau lộ trình 7 năm. Đây là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các DN trong nước, nhất là cộng đồng các DN SMEs phải tự đổi mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các DN trong nước cũng đã thảo luận, đề xuất những kiến nghị, như: Sớm có bộ tiêu chuẩn quốc gia về bảo hộ sản phẩm, nhãn hàng hóa của DN, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường… nhằm hỗ trợ cộng đồng DN tiếp cận với đối tác của thị trường EU.
Nguồn: BTV
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất của các DN, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam và khẳng định cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phổ biến, hướng dẫn DN tham gia hiệu quả việc thực thi và tận dụng tối đa cơ hội EVFTA. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 8.2020, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA trong kỳ họp thứ 9 này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cho biết: “Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi EVFTA ngay khi có hiệu lực. Đề ra những chiến lược, giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả với mục tiêu giúp DN, đặc biệt là DN SMEs tiếp cận thị trường EU, nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu… để từ đó nâng cao tính hiệu quả trong việc thực thi EVFTA”.
NGỌC NHUẬN