Ðể ngành chế biến gỗ phát triển ổn định
Cuối năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt “Ðề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” (Ðề án) với những định hướng nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, để Ðề án đi vào thực tế, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành chủ động đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm.
Những năm qua, ngành chế biến gỗ trong tỉnh phát triển ổn định, cùng với Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định là trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu quy mô lớn của cả nước. Đến nay, sản phẩm gỗ từ Bình Định đã có mặt tại thị trường của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2008 - 2018, ngành chế biến gỗ của tỉnh tăng 7,2%/năm về giá trị xuất khẩu và 6,5%/năm về giá trị công nghiệp. Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến ngành chế biến gỗ gặp rất nhiều khó khăn, song nhiều DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong tỉnh vẫn nỗ lực tìm kiếm khách hàng, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường.
Một trong những DN có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn là Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành. Tuy vậy, khi đề cập đến những định hướng phát triển của ngành gỗ, ông Lê Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, thẳng thắn chia sẻ: “Đề án đã nêu lên được nhiều vấn đề sát với thực tế, nhưng để thực hiện là cả một vấn đề, khi ta chưa có những chính sách cụ thể. Nhất là bài toán về gỗ nguyên liệu. Gỗ có nguồn gốc trong nước chỉ đáp ứng chừng 20% nhu cầu, hầu hết các DN chế biến gỗ trong tỉnh phải nhập khẩu phần còn lại. Đó là chưa kể gỗ rừng trồng của ta phần lớn chỉ có cây keo lai, keo lá tràm, cao su; chất lượng cũng không cao, lại chưa có tiêu chuẩn đánh giá. Trong khi đó, thị trường đòi hỏi nhiều dòng sản phẩm với chất liệu gỗ khác nhau. Như DN chúng tôi, phải nhập khẩu 80% gỗ sồi, bạch đàn để sản xuất!”.
Trồng rừng để đảm bảo chủ động nguyên liệu sản xuất là vấn đề được tất cả các DN mà chúng tôi tham vấn nêu ra. Ngay cả những DN đã chủ động liên kết với chủ rừng trong nước để mua gom nguyên liệu, có mức chủ động về nguyên liệu rất cao vẫn dành cho vấn đề này sự quan tâm đặc biệt.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài, cho biết: “Chúng tôi chuyên sản xuất hàng đồ gỗ ngoại thất (outdoor) - tới hơn 80%, còn lại là đồ gỗ nội thất (indoor). Điều may mắn là 80% gỗ nguyên liệu chúng tôi sử dụng là gỗ rừng trồng trong nước. Song để sử dụng được, khi mua vào mình phải kiểm tra rất kỹ từng lô hàng, để lọc những cây non. Ở mình việc đánh giá, phân loại, xếp hạng rừng còn chưa chuyên nghiệp, nếu ổn định khâu này DN chế biến gỗ đỡ hẳn một công đoạn. Còn việc mua bán, nói thật là dù có hợp đồng nhưng cũng bấp bênh lắm vì hễ có DN khác mua với giá cao hơn là chủ rừng sẵn sàng phá vỡ hợp đồng! Đáng tiếc là trong Đề án, mình vẫn chưa quan tâm nhiều, tính toán đầu tư chi tiết!”.
Theo chuyên gia về lâm nghiệp - TS Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh), để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhất thiết phải phát triển cho được vùng nguyên liệu gỗ lớn. Muốn vậy phải có chuỗi liên kết giữa nhà đầu tư, người trồng rừng từ khâu trồng rừng đến khai thác, bao tiêu sản phẩm với cơ chế ràng buộc để thực hiện chuỗi liên kết. Cũng cần có nhà khoa học chung tay vào để tư vấn về các kỹ thuật chọn giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng để mang lại hiệu quả. Và đặc biệt để tạo dựng uy tín rừng cũng phải được đánh giá, phân loại, xếp hạng.
Cùng với vấn đề nguyên liệu, một vấn đề khác quan trọng không kém - các DN cũng cần đổi mới về trình độ quản trị, công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực phát triển thị trường... Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), cho biết: Đề án của UBND tỉnh phê duyệt đưa ra những định hướng trọng tâm về phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, vùng sản xuất đồ gỗ tập trung, thị trường tiêu thụ. Tuy vậy, để thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn vì liên quan nhiều yếu tố. Cả tỉnh mới chỉ có 5 - 6 DN tạm đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, tiềm lực kinh tế để đầu tư công nghệ chế biến sâu, chuyển từ sản xuất hàng ngoại thất sang nội thất. Phải chuyển đổi thì mới đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, ổn định. Chúng tôi đang tiếp tục vận động các DN thành viên từng bước phát triển năng lực, xây dựng thương hiệu riêng của mình, kiến nghị các cấp có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích DN phát triển…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN