Khi giảng viên lắng nghe nông dân...
Việc học tập lẫn nhau không lạ, nhưng giảng viên trường đại học chủ động tìm đến nông dân để trao đổi, học hỏi thêm là chuyện đáng mừng. Có lẽ ai cũng nghĩ giảng viên đã có kiến thức, chuyên môn, trình độ, chính họ là người giảng cho người khác, và nhiều lúc chính giảng viên cũng nghĩ như thế. Nhưng đối với giảng viên khoa Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Quang Trung lại khác. Họ chủ động kết nối với nông dân, mời nông dân về trường nói chuyện.
Sau những năm đánh mất niềm tin với học sinh, phụ huynh, Trường ĐH Quang Trung đang nỗ lực lấy lại thương hiệu. Không kể đến những kế hoạch dài hạn như đào tạo sinh viên vượt trội về ngoại ngữ, đưa sinh viên đi làm ở nước ngoài… Edufarm của trường là mô hình thật sự gần gũi, thân thiện với người dân, với học sinh. Không ỷ lại vào khả năng, không gò bó trong tư duy biết tất, giảng viên khoa Sinh học ứng dụng học tất cả những nơi có thể học được.
Tôi còn nhớ, khi Australia chuyển giao công nghệ sinh học cho một trường học trên địa bàn tỉnh, cũng chính giảng viên khoa Sinh học ứng dụng của Trường ĐH Quang Trung có mặt xuyên suốt quá trình chuyển giao cho đến khi hái những quả ngọt đầu tiên. Và rồi, mới đây, giảng viên của khoa đã đến thăm vườn của anh Trần Bảo Diệp (huyện Hoài Ân) và mời anh về chia sẻ kỹ thuật trồng dưa, các loại rau, hoa... không chỉ qua lý thuyết mà còn cả bằng trực quan, hiện tại anh đang chuyển giao giống và kỹ thuật giống dưa lưới E-Garden hay còn gọi là dưa lưới Đắc đế mật.
Từ kiến thức vốn có cộng thêm kỹ thuật thực tế, câu chuyện về nghề nông do các nông dân chia sẻ, khoa Sinh học ứng dụng sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng, môi trường thực hành gần gũi. Hơn hết, còn chủ động chia sẻ kỹ thuật cho nông dân, tạo dựng mô hình Edufarm ở một số trường THPT để học sinh học tập, trải nghiệm.
Khoa học không phải là những nghiên cứu riêng lẻ mà là sự cộng hưởng từ những sẻ chia, gần gũi và phục vụ cuộc sống. Những kết nối, sẻ chia giữa giảng viên và nông dân chính là minh chứng cho điều này!
ĐỖ THẢO