Nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Năm năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn có những bước phát triển vượt bậc theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với thực tiễn địa phương. Nhà trường đã triển khai 2 đề tài cấp nhà nước, 30 đề tài Nafosted, 22 đề tài cấp bộ, 9 đề tài cấp tỉnh và 243 đề tài cấp trường. Kết quả, các đề tài đã góp phần phát triển KT-XH cho tỉnh Bình Định và các địa phương khác cũng như góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.
Nhóm nghiên cứu, chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động Trường ĐH Quy Nhơn tặng máy cho Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn.
Năm 2016, trường thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN. Đến nay, Viện đã xây dựng và phát triển một số nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản hoạt động hiệu quả, được giới nghiên cứu khoa học cùng chuyên ngành trong nước và quốc tế đánh giá cao, như: Nhóm Tổng hợp vật liệu mới ứng dụng trong hóa học bền vững, nhóm Hóa thực phẩm, nhóm Ứng dụng công nghệ thông tin... Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của một số giảng viên trẻ ở các khoa Sư phạm, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn... bước đầu được hình thành và hoạt động khá tích cực.
Cùng với các giảng viên, sinh viên của nhà trường cũng quan tâm nhiều đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Số đề tài tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học sinh viên và đạt giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ qua, đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện với nhiều kết quả xuất sắc, được khen thưởng.
Hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tốt, trong đó có nhiều đề tài, dự án liên kết với các địa phương và DN. Đầu năm 2020, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, thầy và trò khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã nghiên cứu, chế tạo cấp tốc 2 loại thiết bị gồm máy rửa tay sát khuẩn tự động và máy đo thân nhiệt tự động từ xa. “Với sự tham gia đồng hành, tài trợ của các cơ quan, DN, hơn 50 máy đã được chuyển giao, lắp đặt tại các địa điểm công cộng, bệnh viện, trường học... trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Phước. “Nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đơn vị tiếp nhận, qua đó khẳng định chất lượng, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu” - PGS.TS Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ, cho hay.
Cũng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cán bộ, nhân viên Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã thiết kế phần mềm quét nhận diện gương mặt sử dụng tại cây “ATM gạo” nhằm đảm bảo ai cũng được hỗ trợ, 1 người không nhận gạo quá 1 lần/ngày.
Trong định hướng phát triển, Trường ĐH Quy Nhơn sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích cán bộ thực hiện đề tài cấp tỉnh; các đề tài, dự án gắn liền với thực tiễn phát triển KT-XH của địa phương. Nhà trường sẽ tách biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển. Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN sẽ tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, sinh viên tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu cùng với các nhà khoa học có kinh nghiệm.
NGỌC NGA