Nông dân ứng dụng KHCN vào nông nghiệp: Nhiều điểm sáng tích cực
Mấy năm gần đây, ở tỉnh ta đã xuất hiện nhiều nông dân biết đổi mới tư duy, tích cực áp dụng KHKT và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Công nhân bón tro cho các cây hoa cúc giống được ươm trồng trong nhà vườn của anh Ngô Quốc Hưng (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước).
Từ chỗ phụ thuộc nguồn cây giống mua tận TP Đà Lạt (Lâm Đồng), anh Ngô Quốc Hưng (thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu và phát triển thành công vườn ươm cây hoa cúc giống đầu tiên ở Bình Định. Hiện, mỗi năm anh cung cấp hơn 5 triệu cây cúc giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trong quy trình ươm giống, anh Hưng chú trọng đến 3 yếu tố: Nhiệt độ, độ ẩm và đất ươm. Trong nhà lồng ươm giống, nhiệt độ luôn đảm bảo mát mẻ, thông thoáng, từ 24 - 27°C. Để đảm bảo độ ẩm cho cây giống, anh Hưng trang bị hệ thống tưới cây tự động bằng các béc phun sương, được cài đặt lập trình hẹn giờ theo nhiều khung giờ khác nhau. Anh sử dụng cơ sở dữ liệu từ các ứng dụng dự báo thời tiết để theo dõi nhiệt độ, độ ẩm để điều chỉnh kịp thời về lượng nước. Cây con giống được đựng trong các khay nhựa có những lỗ nhỏ đều nhau, với giá thể là tro. Đây là tro đã khử khuẩn được anh Hưng mua về từ các nhà máy công nghiệp và cấy men vi sinh vào đó, giúp cải tạo đất ươm, bảo vệ bộ rễ và kích thích rễ cây phát triển.
Với nhiều sáng tạo đột biến trong sản xuất, anh Hưng đã thành công khi tạo nên giống hoa cúc khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, cho hoa to và đẹp. Cây giống được khách hàng ưa chuộng và số lượng cây giống bán ra tăng theo từng năm. Theo ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, vườn ươm của anh Hưng không chỉ tạo ra một nghề mới, giúp người trồng cúc trong tỉnh chủ động được cây giống tốt, chất lượng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương mà còn truyền cảm hứng để nhiều nông dân khác mạnh dạn tiếp cận và áp dụng KHCN vào canh tác, sản xuất.
Trồng dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP ở HTXNN II Nhơn Thọ (TX An Nhơn).
Mô hình trang trại Yuuki Farm của anh Trịnh Hưng Công (thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) gần đây trở thành điểm “check-in” yêu thích của nhiều du khách muốn trải nghiệm du lịch sinh thái. Khu vườn của anh Công là một mô hình trang trại vườn, ao, chuồng (VAC) tiên tiến khép kín. Trong thời gian làm việc ở Nhật Bản, anh Công làm quen với việc sử dụng men vi sinh nên khi xây dựng trang trại, anh ứng dụng ngay kỹ thuật này vào nuôi gà bằng đệm lót sinh học. Cách làm này vừa xử lý được mùi hôi, cắt giảm chi phí vừa nâng cao chất lượng sản phẩm thịt gà. Anh còn tận dụng tất cả phụ phẩm từ nuôi gà để làm phân bón cho rau quả. Phần dư thừa của rau, quả, cỏ anh đưa về trộn với phân trùn quế làm thức ăn cho gà, cá. Điểm đặc biệt là công nghệ lên men vi sinh được anh ứng dụng gần như vào mọi lĩnh vực sản xuất trong trang trại.
Là một trong những người được anh Công chuyển giao kỹ thuật ứng dụng men vi sinh để nuôi gà, ông Lê Văn Luận, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, nhận xét: “Nhờ ứng dụng kỹ thuật do anh Công chuyển giao, tôi và nhiều hộ dân quanh đây cải thiện năng suất, cắt giảm đáng kể chi phí, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi gà. Từ thành công ban đầu của mô hình đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở địa phương”.
Là một trong những đơn vị năng động trong việc tìm hướng đi mới, HTXNN II Nhơn Thọ (TX An Nhơn) đã sớm ứng dụng thành công kỹ thuật trồng dưa lưới bằng giá thể hữu cơ, thu hoạch sản phẩm hợp chuẩn VietGAP. Theo ông Phạm Văn Tân, Chủ nhiệm HTX, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm ổn định hơn cho 14 lao động địa phương.
Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm gần đây, nông dân Bình Định có nhiều chuyển biến đáng kể trong nhận thức, mạnh dạn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới để gia tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời tổ chức sản xuất những loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân thực hiện tốt hơn việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ cao, cần thiết phải có sự hỗ trợ về vốn cũng như các chính sách trợ giúp khác, nhằm tạo ra những vùng sản xuất cây trồng mới với quy mô lớn hơn, tạo ra nhiều sản phẩm hơn và nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.
HỒNG HÀ