Gắn chương trình OCOP với phát triển nông nghiệp
Huyện An Lão có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng như: Heo đen, mật ong rừng, chè, cam xoàn, cam cara, bưởi da xanh... Nắm bắt được những lợi thế trên, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện An Lão phát huy thế mạnh những đặc sản sẵn có của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Mô hình nuôi heo đen của anh Đinh Văn Đê, ở xã An Toàn.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân về vốn, giống, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ... Ông Lê Văn Năng (thôn 1, xã An Toàn) chia sẻ, 70 gốc cam xoàn đã mang lại cho gia đình ông thu nhập mỗi năm gần 30 triệu đồng. Ông được huyện hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích cam. Dần dần, nhiều bà con xung quanh cũng học tập làm theo mô hình này. Đến nay, cam xoàn trở thành một loại cây trồng thuộc nhóm chủ lực của xã.
Cây cam xoàn ở An Toàn chỉ là một ví dụ. Huyện An Lão còn triển khai dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn huyện và một dự án tương tự được đầu tư nhà lưới, bao gồm cả hệ thống tưới tự động và hệ thống làm mát tại thôn Tân Lập, xã An Tân. Cũng nhờ huyện hỗ trợ phát triển sản phẩm, chị Phạm Thị Triều, chủ cơ sở kinh doanh mật ong rừng Mây (thôn Tân An, xã An Tân), cho biết: Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn đầu tư máy móc giúp tách nước khỏi mật và lọc tạp chất, chất lượng mật ong đã được nâng lên rất nhiều, sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng, nhờ đó doanh thu cũng tăng gấp đôi.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Huyện luôn xác định gắn Chương trình OCOP với phát triển nông nghiệp, du lịch và lộ trình xây dựng nông thôn mới. Việc lựa chọn các sản phẩm tham gia OCOP không đặt nặng số lượng mà chú trọng đến chất lượng của sản phẩm. Hiện, huyện đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao là: Mật ong rừng An Lão, cam xoàn An Toàn và cau hột An Hòa”.
Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng, huyện An Lão còn chú trọng các hoạt động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm này. Huyện đang hoàn tất thủ tục để thực hiện gắn mã vạch QR Code cho sản phẩm mật ong rừng An Lão. Ngoài ra, Hội đồng OCOP cấp huyện cũng lựa chọn 6 sản phẩm OCOP cấp huyện để tập trung phát triển.
Điểm yếu của sản phẩm OCOP An Lão là sức cạnh tranh còn thấp, các hoạt động về xúc tiến thương mại còn hạn chế. Các HTX, cơ sở, hộ sản xuất chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, bao bì, mẫu mã sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại… “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các buổi hội chợ, phiên chợ vùng cao nhằm giúp bà con quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương đến với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước”, ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão chia sẻ.
HỒNG HÀ