Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh: Tăng cả lượng và chất
So với lần tổ chức đầu tiên năm 2013, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII (2019 - 2020) có số thí sinh tăng gấp 30 lần so với lần trước đó, đồng thời số lượng giải pháp cũng tăng 16 lần. Chất lượng cuộc thi được đánh giá ngày càng nâng cao.
Giám khảo và thí sinh cùng trao đổi, góp ý để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
66 giải pháp tham gia
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định kiêm Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Qua 7 mùa giải, đây là năm cuộc thi có thí sinh và giải pháp tham gia nhiều nhất. Không chỉ vậy, các giải pháp còn đa dạng, phong phú, nhất là các lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường và các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế”.
Hầu như các giải pháp tham gia năm nay đều được thí sinh mô hình hóa, thậm chí một số giải pháp chỉ cần hoàn chỉnh thêm chút đỉnh là có thể ứng dụng ngay vào thực tế. TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi nhận xét: “Các giải pháp gắn liền với đời sống lao động sản xuất, với gia đình, địa phương. Chỉ riêng mảng tưới cây nông nghiệp thu hút rất nhiều giải pháp như: Tưới tiết kiệm, tưới tự động, tưới bằng năng lượng mặt trời. Điều này cho thấy, cuộc thi ngày càng thu hút sự quan tâm của giáo viên và học sinh, tạo động lực để thúc đẩy nghiên cứu khoa học cũng như sáng tạo các sản phẩm phục vụ đời sống, gia đình ngày càng tốt hơn”.
Tuy vậy, điểm đáng tiếc là phong trào phát triển chưa đồng đều. Trong 66 giải pháp tham gia năm nay, khối THCS có tới 54 giải pháp, khối THPT có 11 giải pháp, khối phổ thông dân tộc nội trú chỉ có 1 giải pháp. Trong số 8 địa phương tham gia, thì riêng TX Hoài Nhơn đã chiếm tới 30 giải pháp, các huyện Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân chỉ có 1 - 2 giải pháp tham gia. Trong khi tin học ngày càng can thiệp rộng và sâu hơn vào cuộc sống nhưng lĩnh vực này lại có ít học sinh tham gia, năm nào cũng chỉ có 2 - 3 giải pháp. “Điều này cho thấy các em chưa chú ý đến tin học, Ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm để cuộc thi tới sẽ vận động các em tập trung trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận”, ông Lê Văn Tâm nhấn mạnh.
Sân chơi thiết thực
Từng tham gia cuộc thi năm ngoái và đoạt giải nhất, em Ngô Thị Mỹ Tâm, học sinh Trường THCS Phước Thuận, huyện Tuy Phước chia sẻ: “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh là một sân chơi bổ ích, nơi chúng em có thể thỏa sức thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình, vừa được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các bạn từ nhiều trường khác. Điều đó giúp em cảm thấy mình trưởng thành hơn và đó cũng là hành trang quý giá để chúng em tự tin bước vào cuộc sống”.
Với em Đinh Thị Thắm, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh lần đầu tiên tham gia cuộc thi nên có phần rụt rè. Thắm chia sẻ: “Lúc đầu hơi run, nhưng giờ lại thấy thích thú vì được biết nhiều bạn, học hỏi nhiều điều. Thông qua tác phẩm dự thi, em muốn gởi tới các bạn thông điệp: Hãy cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn”.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh cho biết: “Đây là năm đầu tiên trường chúng tôi góp mặt ở sân chơi này. Chúng tôi ở nơi miền núi xa xôi, cách trở, việc kết nối, hướng dẫn các em đã khó, khó hơn là đa số các em thiếu tự tin, ngại tiếp xúc và ít khi làm việc nhóm. Nhưng đến với cuộc thi, chúng tôi sẽ giúp các em khắc phục các nhược điểm ấy. Tôi thấy cuộc thi này rất hữu ích, tạo điều kiện để các em được “bơi ra biển lớn”, hội nhập và cọ xát kinh nghiệm từ các bạn đồng lứa. Từ cuộc thi này, tôi sẽ về báo cáo với nhà trường để có kế hoạch tổ chức các cuộc thi ở cấp trường để định hướng cho các em và nhờ đó giúp các em tự tin hơn”.
Ông Phan Chí Quốc Hùng (Sở GD&ĐT), giám khảo cuộc thi nhìn nhận: “Khâu tổ chức cũng được chuẩn bị chu đáo. Việc phân công mỗi giải pháp có 2 giám khảo có chuyên môn tương đồng để chấm điểm giúp kết quả đánh giá chính xác hơn, giám khảo cũng có thời gian để lắng nghe, trao đổi và góp ý để các em hoàn thiện sản phẩm tốt hơn”.
HỒNG HÀ