Công nghệ LoRa mở ra những lối đi mới
Năm 2019, Ngô Bá Quốc Anh và 2 sinh viên cùng lớp Kỹ thuật điện tử - Viễn thông 38A (Khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn) đã nghiên cứu thành công đề tài “Nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ LoRa” đoạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên lần thứ III - 2019 Trường ĐH Quy Nhơn. Ở đề tài này, nhóm của Quốc Anh ứng dụng LoRa điều khiển việc tưới tiêu trong nhà kính. Ưu điểm của công nghệ này là giá rẻ, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư ban đầu và tăng độ ổn định hệ thống. Việc vận hành, giám sát có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối internet.
Sinh viên Ngô Bá Quốc Anh và các bạn cùng lớp thuyết trình tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên lần thứ III - 2019 Trường ĐH Quy Nhơn.
Trong hệ thống này, các cảm biến sẽ được lắp đặt ở các vị trí xác định trong nhà kính để theo dõi các thông số môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm của không khí, độ ẩm của đất, độ PH của đất và nước, nồng độ các chất gây hại trong không khí, cường độ ánh sáng trong nhà kính. Tất cả các tham số thu được từ các cảm biến sẽ được truyền về trung tâm dữ liệu. Phần mềm trung tâm sẽ xử lý dữ liệu và lựa chọn giải pháp tối ưu để điều chỉnh lượng nước cũng như phân tưới cho cây, sau đó truyền trở lại cho các thiết bị chấp hành tại nhà kính. Hoặc dựa vào các tham số đó, chủ vườn dùng điện thoại thông minh, máy tính để điều chỉnh các thông số môi trường trong nhà kính, giúp cho cây trồng phát triển tốt hơn. Hệ thống có thể áp dụng trên trang trại diện tích từ một đến vài hecta. Điểm mới của đề tài đó là áp dụng năng lượng mặt trời giúp đảm bảo nguồn điện năng cho toàn hệ thống, phù hợp với những vùng đất khắc nghiệt xa xôi mà lưới điện chưa tới được.
LoRa là viết tắt của Long Range Radio, với công nghệ này, chúng ta có thể truyền dữ liệu với khoảng cách lên hàng cây số mà không cần các mạch khuếch đại công suất; từ đó giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ khi truyền/nhận dữ liệu.
Sau khi đoạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên lần thứ III - 2019 Trường ĐH Quy Nhơn, đề tài tiếp tục nhận được giải nhì Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Bình Định năm 2019. Ông Nguyễn Ngọc Hóa, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) nhận xét: Đây là đề tài khá mới và mang tính ứng dụng cao. Việc đưa công nghệ LoRa vào ứng dụng trong nông nghiệp có thể mở ra hướng phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
“Mục tiêu đề án là thúc đẩy nông nghiệp thông minh, giảm tác hại môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tiết kiệm tiền bạc và sức lao động của người dân. Công nghệ LoRa có phổ ứng dụng rất rộng và trong tương lai không xa sẽ dần vươn lên trên nhiều lĩnh vực trong đời sống; không chỉ đơn giản để tưới tiêu chính xác, hoặc thu hẹp trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ LoRa còn có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác, như: Giám sát giao thông, theo dõi tiêu thụ năng lượng, đo lường môi trường, cảnh báo cháy… Đã có một số DN ngỏ ý hỗ trợ nhóm phát triển đề tài để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Hiện, nhóm đang lên kế hoạch cụ thể để chuyển giao đề tài vào ứng dụng thực tế, phục vụ cho việc hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà” - Quốc Anh tiết lộ.
KHÁNH LINH