Đừng chủ quan với hội chứng đau vai gáy
Đau vai gáy là một bệnh phổ biến, đặc biệt là ở những người có đặc thù công việc phải ngồi nhiều giờ liền tại một vị trí. Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh), cho biết: “Triệu chứng của bệnh là đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống cánh tay, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng... Bệnh thường gặp ở những người hay nằm nghiêng, nằm gối cao; ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; căng cơ vùng vai gáy, tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ hoặc chèn ép rễ thần kinh…”.
Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, người bệnh có thể tự điều trị bằng cách dùng cao dán, nên nghỉ ngơi, thư giãn, dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Nếu tự chữa không giảm, phải đến cơ sở y tế để được điều trị, đồng thời tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ tư vấn cụ thể các bài tập và tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động. Người bệnh cũng cần phải nhớ rằng không được xoa bóp, bấm huyệt trong giai đoạn cấp tính.
Để phòng bệnh, khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế, không cúi gập cổ quá lâu. Người bệnh nên thường xuyên luyện tập TDTT với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc. Ngoài ra, luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ vùng vai gáy như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, khi đau cổ, vai, gáy không được xoay, vặn mạnh vì dễ gây tổn thương nặng đến các dây thần kinh.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)