Xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực: Sẽ hoàn thành trong tháng 10.2020
Ðền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một trong những công trình quan trọng của tỉnh trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Sau 4 tháng nỗ lực thi công, công trình đảm bảo đúng tiến độ, dự kiến Ðền thờ sẽ hoàn thành vào tháng 10.2020.
Hạng mục Đền thờ chính đã hoàn thành phần xây dựng, đang triển khai phần trưng bày nội thất.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nổi tiếng giỏi võ từ nhỏ, tính cương trực, nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước, thương dân, là một thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam bộ, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt, trong đó có hai chiến công vang dội: Đốt cháy và làm chìm tàu L’Espérance (Hy vọng) trên vàm Nhựt Tảo năm 1861 và tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá năm 1868. Khi bắt được ông, thực dân giặc Pháp tìm mọi cách thuyết phục, dụ dỗ, chiêu hàng nhưng không thành công. Cuối cùng chúng đã xử chém ông vào ngày 27.10.1868. Ở đoạn đầu đài, Nguyễn Trung Trực khẳng khái lưu danh thiên cổ với câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất của Anh hùng Nguyễn Trung Trực là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm.
● Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) tên thật là Nguyễn Văn Lịch, khi tham gia nghĩa quân thường được gọi là Quản Chơn, Quản Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Ðịnh (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát).
● Công ty CP Tập đoàn Ðèo Cả là nhà tài trợ chính dự án xây dựng Ðền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; chịu trách nhiệm hỗ trợ thi công toàn bộ phần xây lắp công trình theo đúng hồ sơ thiết kế đã phê duyệt. Sở VH&TT được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tọa lạc tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải (huyện Phù Cát). Ý tưởng về việc xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được lãnh đạo tỉnh ta đặt ra từ nhiều năm trước. Xét đây là công trình quan trọng của tỉnh trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm nên mọi việc chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chi tiết. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo từ lúc khảo sát chọn địa điểm, duyệt thiết kế, cho đến khi khởi công (ngày 9.5.2020), hết thảy đều được cập nhật thường xuyên.
Sáng 14.9, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh dẫn đầu đoàn đi kiểm tra việc xây dựng Đền thờ. Trên khu đất rộng 12.000 m2, nhiều hạng mục của công trình được thiết kế theo kiến trúc truyền thống như: Đền thờ chính, cổng tam quan, nhà quản lý, nhà soạn lễ, nhà vọng cảnh, nhà bia, sân hành lễ... kết nối hài hòa tạo nên quy mô và trang trọng cho khu Đền thờ. Công trình càng được nâng cao giá trị khi có thế “tọa sơn ngọa thủy”, phía sau và bên hông được bao bọc bởi dãy núi với những khối đá lớn, trước mặt là bãi biển đẹp.
Ông Lê Xuân Huy, Chỉ huy trưởng công trình xây dựng Đền thờ, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực thi công đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của công trình. Trên công trường luôn duy trì từ 50 - 70 công nhân là người của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả và ở địa phương, đồng thời có thêm những nghệ nhân giỏi ở Huế đảm nhận việc thực hiện các hoa văn, họa tiết trang trí.
Ông Tạ Xuân Chánh cho biết: Đền thờ Anh dùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là công trình được Sở VH&TT đăng ký với tỉnh là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Dự kiến ngày 20.9 sẽ bàn giao phần xây lắp công trình cho chủ đầu tư. “Để thể hiện sự tôn kính vị Anh hùng dân tộc, UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao hơn chất lượng và sự trang trọng trong phần nội thất Đền thờ chính so với dự kiến ban đầu. Hiện việc thiết kế trưng bày nội thất đã được giao cho đơn vị nhiều kinh nghiệm là Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn di sản văn hóa (Hà Nội) thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để Đền thờ được khánh thành đúng dự kiến vào đầu tháng 10.2020, trước khi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX”.
HOÀI THU