Tráng ca về nữ tù binh Phú Tài
Sách “Trại giam Nữ tù binh Phú Tài, Bình Định (1967 - 1973)” do Ban liên lạc Nữ tù binh Phú Tài - Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. Chỉ dày 315 trang song sách chứa đựng nhiều thông tin, những hình ảnh, tư liệu quý giá về cuộc đấu tranh của những nữ chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ tại Trại giam Nữ tù binh Phú Tài.
Trại giam Nữ tù binh Phú Tài (còn gọi là Trại giam Phú Tài) do đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng tại địa bàn thôn Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước (nay thuộc phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), nhằm dồn hàng nghìn nữ chiến sĩ cách mạng từ các trại giam ở miền Nam về đây giam giữ, tra tấn. Đây là 1 trong 6 trại giam Trung ương do Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng.
Trại giam Phú Tài hoạt động từ tháng 6.1967 đến tháng 5.1972. Điểm đặc biệt của Trại giam Phú Tài là các nữ tù có tuổi đời rất trẻ (từ 17 - 22) và đa số chưa lập gia đình. Phú Tài có 4 trại, gồm: Trại 1 (gọi là trại chiêu hồi); Trại 2 và 3 giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, không khai báo, không đầu hàng, giữ vững lập trường cách mạng; Trại 4 là khu biệt giam (địch dựng lên 6 chuồng cọp và 4 cô-néc). Toàn trại có 18 phòng, diện tích mỗi phòng khoảng 120 m2, mỗi phòng giam 70 - 80 người (thậm chí có lúc 100 - 150 người).
Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng nực, ban đêm lạnh buốt. Chế độ ăn uống, sinh hoạt rất thiếu thốn... Tuy nhiên, với phẩm chất cách mạng và khí tiết của người cộng sản, trong suốt 5 năm trời bị giam cầm, mặc dù bị bọn cai ngục và bè lũ tay sai đánh đập, tra khảo dã man, song các nữ tù binh đã dũng cảm đấu tranh với địch và giữ vững ý chí chiến đấu... Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 15.2.1973, gần 900 nữ tù binh tại Trại giam Phú Tài đã được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước), trở về quê hương, gia đình.
Sách có phần phụ lục với khá nhiều tư liệu, hình ảnh, trong đó có nhiều tư liệu quý, như: Danh sách cấp ủy trong trại giam; Danh sách nữ tù hy sinh; Danh sách nữ tù vượt ngục; Danh sách nữ tù binh Phú Tài được phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
VIẾT HIỀN