Xây dựng Đền thờ Tây Sơn tam kiệt: Tôn vinh tiền nhân, giáo dục truyền thống yêu nước
Công trình Ðền thờ Tây Sơn tam kiệt thuộc Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, gồm các hạng mục: Nhà tiền tế, nhà tiền bái và nhà thượng điện, đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Ðền thờ này là công trình văn hóa - tâm linh ghi nhớ công lao chống giặc ngoại xâm của các văn thần võ tướng triều đại Tây Sơn, gắn kết với văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống và phục vụ phát triển du lịch.
Đền thờ Tây Sơn tam kiệt khởi công vào cuối tháng 7.2019, do Ban Quản lý Dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư phần xây dựng. Đến nay, hạng mục nhà tiền bái đã cơ bản hoàn thiện phần xây dựng; nhà thượng điện hoàn thiện 85% khối lượng thi công. Ông Nguyễn Văn Bắc, chỉ huy thi công của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và xây dựng A.W.I.E.W - đơn vị tham gia thi công, cho biết: Công trình nhà tiền bái, thượng điện được xây dựng theo kiến trúc nhà mộc kẻ góc, chồng chóp. Nhà tiền tế được cải tạo, nâng cấp từ Điện thờ Tây Sơn tam kiệt hiện trạng.
Công trình nhà thượng điện đã hoàn thiện 85% khối lượng thi công.
Theo đó, nhà tiền bái có tổng diện tích 432,7 m2, nằm ngay sau nhà tiền tế, trên cùng một trục, gồm 7 gian. Theo thiết kế nội thất, trưng bày và bài trí thờ tự, gian giữa nhà tiền bái thờ ngai và bài vị hội đồng tướng lĩnh. Bên phải gồm 3 gian thờ: Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ và Đại tư mã Ngô Văn Sở. Bên trái gồm 3 gian thờ: Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân và Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Các gian được bài trí theo bố cục thờ tự 2 cấp: Cấp để tượng và cấp hương án (đồ ngũ sự, bát hương, đỉnh hương) kết hợp với lễ vật, hương hoa dâng cúng; phía trên có trang trí cửa võng ô xa, đại tự, hoành phi, câu đối. Toàn bộ các tượng được giữ nguyên trạng tượng hiện nay.
Nhà thượng điện cũng gồm 7 gian, diện tích bên trong nhà 234,5 m2. Theo phương án bài trí, gian chính giữa đặt khám thờ và tượng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; gian bên phải là gian thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc; gian bên trái là gian thờ Đông Định vương Nguyễn Lữ. Gian kế tiếp bên bài trí bạch mã, xích mã thờ, tán lọng, cỗ long kiệu, trống trận. Các gian thờ tượng 3 ngài đều được bố trí thờ tự 2 cấp truyền thống: Cấp để tượng và cấp hương án. Ngoài ra bài trí các đồ tế khí khác như: Giá treo chiêng, treo trống, bát bộ binh khí, tán lọng vua…
Ðiện thờ Tây Sơn tam kiệt hiện trạng được Nhà nước đầu tư nâng cấp mở rộng, tôn tạo vào năm 1998, diện tích 365 m2; hiện có 10 án thờ, gồm án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn. Hậu điện có 3 án, chính giữa là án thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, phía bên phải là án thờ Hoàng đế Thái Ðức - Nguyễn Nhạc, bên trái là án thờ Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ. Hai phía Ðông và Tây trong nội điện đặt 6 án thờ các văn thần võ tướng tiêu biểu của triều đại Tây Sơn.
Nhà tiền tế được cải tạo, nâng cấp từ điện thờ Tây Sơn tam kiệt hiện trạng, với diện tích không gian thờ bên trong 173 m2, là nơi thờ bài vị gia tiên, thánh phụ và thánh mẫu. Ngoài ra, theo phương án thiết kế, công trình đền thờ Tây Sơn tam kiệt còn có các hạng mục cải tạo nhà bia hiện tại, nhà che giếng cổ, bảo tồn cây me cổ thụ, tu bổ và tôn tạo đường dạo, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…, để góp phần bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa Di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Sau khi hoàn thiện phần xây dựng, chủ đầu tư sẽ bàn giao công trình cho Sở VH&TT triển khai các hạng mục nội thất, trưng bày và bài trí. Theo kế hoạch, cuối tháng 10.2020, sẽ hoàn thành phần xây dựng. Hiện nay, Sở VH&TT đã trình phương án thiết kế các hạng mục nội thất, trưng bày và bài trí Đền thờ để Bộ VH-TT&DL thẩm định. Sau khi Bộ cho ý kiến, đơn vị sẽ có báo cáo tham mưu gửi UBND tỉnh phê duyệt, cho chủ trương triển khai.
“Công trình Đền thờ Tây Sơn tam kiệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Việc tách bạch các phân khu nhà thờ giúp cho công chúng yêu lịch sử hiểu rõ hơn về sự nghiệp, thân thế các bậc tiền nhân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau”, ông Chánh cho biết thêm.
AN NHIÊN