NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN THANH QUANG:
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, còn sức tôi còn viết...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (SN 1959, quê ở huyện Phù Cát) tốt nghiệp khoa Sử, trường ÐH Tổng hợp Huế. Sau đó, anh công tác tại Sở VH&TT đến khi nghỉ hưu. Anh tham gia nhiều công trình nghiên cứu, đồng tác giả nhiều đầu sách. Những năm gần đây, anh liên tục công bố các tập sách của mình như Chữ Quốc ngữ, từ Nước Mặn đến Làng Sông (Nhà xuất bản Ðồng Nai, 2018), Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản Ðồng Nai, 2019).
Đặc biệt, trung tuần tháng 9.2020, anh công bố với bạn đọc cùng lúc hai đầu sách: Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội & Tạp chí Xưa và Nay) - đồng tác giả với linh mục Gioan Võ Đình Đệ và Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) - in riêng. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang.
● Có lẽ anh không chủ ý để trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Cơ duyên nào khiến anh gắn bó và say mê với công việc sưu tầm, khảo cứu này đến vậy?
- Có lẽ đặc thù nghề nghiệp là cái duyên đã kết nối tôi với công việc này. 40 năm gắn bó với các lĩnh vực: Bảo tàng, Quản lý di tích rồi Quản lý văn hóa, là điều kiện tốt để tôi tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Bình Định, một vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa cổ: Sa Huỳnh, Champa; một địa điểm 2 lần kinh đô của hai tộc người Chăm, Việt (Đồ Bàn và Hoàng Đế); vùng đất thượng võ, tôn văn của hai vua: Thái Đức - Nguyễn Nhạc và Quang Trung - Nguyễn Huệ… Lịch sử, văn hóa của đất và người Hoài Nhơn/ Qui Nhơn/ Qui Ninh/ Bình Định đã cuốn hút tôi, thôi thúc tôi và tôi đã viết để chia sẻ đến bạn đọc.
● Qua những trang viết của anh, những lớp trầm tích văn hóa được bóc tách, nghiên cứu tỉ mỉ, chu đáo, thuyết phục bạn đọc. Chúng có mối liên hệ nhất định với nghiệp vụ, công tác chuyên môn của anh. Nhưng một điều tôi băn khoăn, dường như các bài viết liên quan đến chữ Quốc ngữ đi trên một mạch riêng?
- Vâng, cũng có phần như thế thật! Một lần tình cờ tôi được Linh mục Huỳnh Kim Lăng cho mượn quyển “Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên” của Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm (Nhà xuất bản Tinh Việt Văn đoàn, Sài Gòn 1961). Sau đó, tôi tìm đọc một số bài khảo cứu và sách viết về chữ Quốc ngữ khác, hầu hết đều cho rằng Hội An hoặc Thanh Chiêm (Quảng Nam) là cái nôi hoặc nơi phát tích của chữ Quốc ngữ. Đáng chú ý là tập sách: Hội An - Nôi chữ Quốc ngữ của Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên, Nha Trang - 2000; Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, PGS. TSKH Lý Toàn Thắng và các cộng sự, Viện Ngôn ngữ học - Sở KH&CN Quảng Nam, 2006; và Dinh trấn Thanh Chiêm - Kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong, Châu Yến Loan, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2015.
Tuy nhiên, nhờ vốn hiểu biết của mình và nhiều tư liệu khác, tôi tin vai trò của đất và người Quy Nhơn trong cuộc phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ phải lớn hơn rất nhiều và gần như chưa được đề cập. Vả chăng, ở mảng này còn nhiều tồn nghi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thấu đáo, khách quan. Nên tự mở cho mình thêm một mảng nghiên cứu. Tôi tìm hiểu và viết bài khảo cứu đầu tiên: Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ đăng ở Tạp chí Khoa học Công nghệ Bình Định (tháng 2 - 3.2005), sau tôi tiếp tục tra cứu và bổ sung thêm tư liệu, đăng ở các báo, tạp chí khác như: Văn hóa Bình Định, Xưa & Nay, Văn hiến Việt Nam… Từ nhiều năm trước, tôi tin một cách mãnh liệt rằng Quy Nhơn - Bình Định là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ.
● Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người là tuyển tập khá dày dặn (750 trang), sách giàu cứ liệu giúp người đọc tiếp cận những trầm tích văn hóa theo thời gian của Bình Định. Đây là tập hợp nhiều công trình, bài báo của anh đã công bố rải rác trong nhiều năm qua. Nhiều người muốn biết sắp tới anh sẽ viết những gì?
Một số người cũng nói vui, chắc là sắp cạn vốn rồi! Tôi cũng nói vui, cạn sức thì có thể chứ Bình Định, quê hương tôi là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, làm sao tôi cạn vốn được. Bên cạnh những di sản văn hóa, trong những bước ngoặt tạo thế đứng và phát triển của đất nước luôn sáng lên những gương mặt tiêu biểu của quê hương Bình Định. Hồn thiêng sông núi Bình Định đã hun đúc nên khí chất anh hùng của những người con ưu tú làm rạng danh non sông đất Việt, tạo một bản sắc độc đáo miền đất “địa linh nhân kiệt”. Tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người là tập hợp những bài viết của tôi đã được đăng tải trên các tạp chí, báo trong những năm gần đây, mới chỉ phác thảo một chân dung Bình Định trong tiến trình lịch sử qua góc nhìn văn hóa, nhằm giúp bạn đọc quan tâm về Bình Định có cái nhìn tổng quan vùng đất hai lần kinh đô, ba tầng văn hóa. Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, còn sức tôi còn viết, chỉ sợ lực bất tòng tâm.
● Thưa anh, được biết anh cũng rất quan tâm đến mảng Champa, anh cũng từng được các trường mời giảng chuyên đề này, vì sao chưa in sách mảng này?
- Trước khi tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người xuất bản (gồm 5 phần: Một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người; Trung tâm của nền văn hóa Champa; Tây Sơn Tam kiệt; Hoài Nhơn - Bình Định Đất và người, Miền đất phôi thai, phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ), bạn tôi góp ý nên in riêng từng chuyên đề, trong đó có mảng về văn hóa Champa, đây là nội dung tôi rất quan tâm. Tuy nhiên, nếu in riêng từng nội dung, tôi cần phải có thời gian bổ sung nội dung tư liệu. Trong điều kiện hiện nay, tôi muốn tập hợp những gì đã có để giữ tư liệu, trong tương lai nếu có điều kiện, tôi sẽ bổ sung nâng cấp và tách ra từng nội dung in riêng.
● Anh có chia sẻ gì về vấn đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử hiện nay không, nhất là vấn đề nghiên cứu, bảo tồn ở Bình Định?
- Đề tài “Đất nước và Con người” so với nhiều địa phương khác, ở Bình Định các nhà nghiên cứu viết chưa nhiều, có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu như: Danh nhân Bình Định của Bùi Văn Lăng (1941), Nước non Bình Định của Quách Tấn (1968), Nhân vật Bình Định của Đặng Quí Địch (1971),… Trong những năm gần đây, mảng đề tài này bạn đọc ngày một quan tâm nhiều hơn, nhưng các cây bút thì ngày một thiếu vắng dần, lực lượng kế cận mỏng. Có lẽ để việc nghiên cứu, bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa tỉnh nhà được tốt hơn, cần có một chủ trương từ tỉnh và sự quan tâm phối hợp đồng bộ của các sở ngành liên quan.
● Cảm ơn anh với cuộc trò chuyện này!
NGÔ PHONG (Thực hiện)