Công chúng yêu cầu ngày càng cao với điện ảnh
Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng, ngành điện ảnh rất cần có đầu tư bài bản, đủ ngưỡng cho hạ tầng kỹ thuật; cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu lý luận…
Sáng 21.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam đã đánh giá khái quát những kết quả và đặc biệt là bất cập, hạn chế của điện ảnh nước nhà trong giai đoạn 2015-2020.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Sau hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách xã hội hóa, ngành điện ảnh đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành phim điện ảnh, phim truyền hình.
Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam. Hiện nay, hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh.
Việc tập trung khai thác những đề tài thuần giải trí và đậm tính thương mại hướng tới phục vụ đối tượng khán giả chủ yếu là thanh thiếu niên đô thị. Phim tư nhân dường như đang xa rời chức năng giáo dục lòng yêu nước tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ có đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ.
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, phát hành phim đã có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ.
Do mất dần đi sự hỗ trợ của nhà nước, dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội…
Hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành chủ yếu do hai trường điện ảnh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiến hành. Mặc dù đã có thêm những hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, bổ túc nghiệp vụ nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ.
Hệ thống phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ nhưng các công ty trong nước chỉ nắm được trên 20 % lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần.
Điểm sáng tích cực đến từ những đổi mới trong phong cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật của dòng phim tài liệu, phim khoa học.
Dòng phim tài liệu đã phản ánh một bình diện rất rộng của đời sống ghi nhận nhiều cố gắng của các nhà làm phim tài liệu về ngôn ngữ nghệ thuật, cách thể hiện mới gần gũi hơn với ngôn ngữ của điện ảnh tài liệu thế giới, chú trọng sử dụng thế mạnh báo chí của thể loại phim tài liệu.
Đối với các nhà làm phim khoa học sự đổi mới thể hiện qua đổi mới ngôn ngữ phim khoa học từ mô tả, phân tích sâu các nội dung chuyên môn nhằm đem đến cho khán giả lượng kiến thức nhất định sang tăng cường nhận thức cho họ; “phim truyện hóa” phim khoa học thành các series phim dài tập như trên thế giới hiện nay.
Nhìn chung, đến nay, ngành điện ảnh vẫn chưa thể có bước chuyển mang tính đột phá hướng tới nền công nghiệp văn hóa thực sự.
Không ngừng vượt qua chính mình
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định gần 70 năm qua, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh và phát triển không ngừng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Điện ảnh Việt Nam dù còn rất non trẻ đã góp phần đáng tự hào vào nguồn sức mạnh tổng hợp làm nên những chiến thắng của cả Dân tộc và để lại những tác phẩm có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật rất cao. Chúng ta mãi ghi ơn các nghệ sĩ đã không quản gian khổ, hiểm nguy, lăn lộn ở các chiến trường ác liệt nhất, nhiều nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh để đem về những thước phim quý giá ghi lại, minh họa sống động chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta.
Bước vào thời kỳ Đổi Mới, nền điện ảnh nước nhà đối diện với nhiều thách thức và cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có.
Thoát khỏi sự bao bọc mang nặng tính hành chính, quan liêu bao cấp, điện ảnh Việt Nam đứng trước đòi hỏi và cơ hội được đứng vững trên đôi chân của mình, được phát huy cao nhất năng lực sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật và cả trong huy động nguồn lực xã hội.
Khó khăn thật lớn khi nguồn đầu tư nhà nước ít ỏi và ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu. Cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế cũng tạo thêm sức ép ngày càng gia tăng. Nhưng bằng tất cả trách nhiệm, trí tuệ và lòng yêu nghề, các thế hệ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình đã và đang nỗ lực vượt qua gian khó, vượt lên chính mình để nền điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt được thành tựu rất đáng trân trọng.
Bên cạnh số lượng hạn chế những bộ phim được Nhà nước hỗ trợ, đã có một số lượng khá lớn các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả, từng bước cạnh tranh với các phim ngoại nhập.
Đã xuất hiện không ít tác phẩm dần tạo thành một dòng phim mới với những đổi mới có tính đột phá về nội dung đề cập và phong cách thể hiện.
Môi trường hoạt động nghệ thuật ngày càng thông thoáng đã thu hút được không ít đạo diễn, nghệ sĩ định cư ở nước ngoài về làm nghề ở Việt Nam… Thời gian gần đây, nhiều bộ phim truyền hình dài tập đã gây được tiếng vang, thu hút được đông đảo khán giả theo dõi.
Trách nhiệm kế thừa, phát triển
Tuy nhiên, những người làm điện ảnh cần thẳng thắn nhìn nhận những điều còn chưa làm được, còn tồn tại, bất cập trước yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của khán giả, của công chúng yêu điện ảnh.
Đó là nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa”. Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế. Những phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo.
Không ít phim mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Khâu quảng bá, phát hành chưa được chú trọng đúng mức.
Lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa có nhiều nghiên cứu mang tính mở đường.
Đội ngũ các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, trưởng thành từ thực tiễn những tháng năm khói lửa, những nhân chứng trực tiếp thời kỳ cả nước chuyển mình từ thời bao cấp bước sang thời kỳ Đổi mới đã dần cao tuổi.
Lực lượng trẻ dù được đào tạo bài bản, tăng nhanh về số lượng, rất sáng tạo và có năng lực nắm bắt, làm chủ công nghệ hiện đại, nhưng vẫn rất cần được trao truyền không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm mà cả những ký ức, cảm hứng nghệ thuật từ các thế hệ đi trước.
Thế hệ mới này cũng rất cần được cổ vũ, động viên, được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống hôm nay đồng thời ôn lại những năm tháng thật gian khó mà đầy hào hùng trước đây để thấy rõ hơn vinh dự và trách nhiệm kế thừa, phát triển.
“Chúng ta cũng rất cần có đầu tư bài bản, đủ ngưỡng cho hạ tầng kỹ thuật của ngành điện ảnh, ngành văn hóa; cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu lý luận điện ảnh nói riêng và nghệ thuật, văn hóa nói chung v.v.”, Phó Thủ tướng nói.
Có như vậy Điện ảnh Việt Nam mới đáp ứng được mong đợi của công chúng, khán giả về những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại, tương xứng với những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày càng có thật nhiều tác phẩm hấp dẫn đáp ứng yêu cầu rất khác nhau, rất đa dạng của công chúng nhưng vẫn mang tính định hướng và giá trị nghệ thuật cao.
Phó Thủ tướng mong muốn, Ban chấp hành, một bộ máy lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xứng tầm với các yêu cầu cao hơn đối với của nền Điện ảnh nước nhà. Từ đó, Hội có thể đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác nhằm phát huy được cao độ trách nhiệm, sức sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cả nước.
Bên cạnh đó, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác đóng góp xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung và rộng hơn là phát triển đất nước.
Hội Điện ảnh Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là cầu nối không thể thiếu với các hội, các tổ chức và với cộng đồng điện ảnh quốc tế.
Các Bộ ngành, trực tiếp nhất là Bộ VHTT&DL cùng các cấp chính quyền địa phương quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Điện ảnh, ngành điện ảnh hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Phó Thủ tướng chúc đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ điện ảnh và phim truyền hình nói riêng bằng tài năng, trách nhiệm và lòng yêu nghề sẽ cho ra đời thật nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao góp phần quan trọng phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)