Nơi tôn vinh nghệ thuật truyền thống và tri ân Tổ nghiệp
Ðông đảo nghệ sĩ, diễn viên bày tỏ niềm vui, hạnh phúc khi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã hoàn thành. Công trình Nhà hát sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12.8 âm lịch năm Canh Tý), đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hai loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà là tuồng và bài chòi.
Thỏa niềm khát khao, mong đợi
Phải khẳng định rằng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh (sau đây gọi tắt là Nhà hát nghệ thuật) đẹp về kiến trúc, hoành tráng về quy mô. Gắn bó với sân khấu Nhà hát tuồng Đào Tấn từ năm 1981 đến nay, NSND Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà hát nghệ thuật - Phó Trưởng Đoàn tuồng Đào Tấn, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ sân khấu, nhà tập chật chội, xuống cấp của Nhà hát tuồng Đào Tấn sau thời gian dài hoạt động, cho đến cơ ngơi Nhà hát bề thế như hôm nay.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh khởi công vào tháng 2.2019 trên khu đất Nhà hát tuồng Ðào Tấn cũ, đến tháng 8.2020 hoàn thành. Công trình có diện tích 780 m2 với 3 tầng, bao gồm: Tầng 1 có phòng khán giả 150 chỗ (phục vụ tập luyện, diễn xuất, các hội thi), sân khấu, hố nhạc, không gian phụ trợ (hóa trang, tẩy trang, thay trang phục, vệ sinh); tầng 2 có phòng biểu diễn 50 ghế kết hợp phòng họp đoàn (chủ yếu phục vụ khách du lịch), phòng trưng bày truyền thống Ðoàn ca kịch bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn...; tầng 3 có phòng thờ Tổ Ðoàn ca kịch bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn, 2 phòng tập hát, hành lang và cầu thang. Ngoài các hạng mục chính, Nhà hát còn có sân thượng, nhà để xe, nhà kho, tường rào cổng ngõ, sân, đường nội bộ và bồn hoa cây xanh... Ðây là công trình trọng điểm của ngành Văn hóa chào mừng Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
“Mỗi bận mưa, Nhà hát tuồng Đào Tấn cũ thường bị dột và úng nước. Nghệ sĩ, diễn viên phải bắt ván để đi. Khổ nhất là xung quanh sân khấu, hễ mưa là ngập nước, nhạc công có khi phải lên sân khấu nơi các nghệ sĩ, diễn viên tập luyện vở hoặc biểu diễn để ngồi, không gian sân khấu thêm chật chội, nóng nực. Giờ thì mọi thứ đã khác! Nhà hát quy mô, sân khấu đẹp với thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại được lắp đặt. Nghệ sĩ, diễn viên bộ môn nghệ thuật tuồng Đào Tấn và ca kịch bài chòi Bình Định vui sướng khi UBND tỉnh, ngành Văn hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng một nhà hát bề thế như vậy!”, NSND Minh Ngọc bồi hồi xúc động.
NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật, kiêm Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, tâm đắc nói: “Thật sự quá vui, quá hạnh phúc khi Nhà hát nghệ thuật đã thi công hoàn chỉnh. Công trình mới không chỉ đáp ứng được yêu cầu tập luyện, biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên, còn là khát khao, mong mỏi của nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Tôi cảm thấy rất may mắn! Bởi, trước đó nhiều cố nghệ sĩ, diễn viên có ước mơ như tôi đã không hưởng được niềm hạnh phúc này. Tôi và các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát sẽ nỗ lực bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị ở bộ môn nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà, góp phần đưa nét đẹp văn hóa quê hương vang xa hơn”.
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho hay, ngoài cơ sở vật chất khá hiện đại, khang trang, Nhà hát nghệ thuật còn có phòng thờ Tổ, phòng trưng bày truyền thống của Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật về Đào Tấn trưng bày ở phòng truyền thống sẽ giúp người xem biết nhiều hơn, hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, phát triển của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - ca kịch bài chòi.
Phòng trưng bày truyền thống Đoàn ca kịch bài chòi và Đoàn tuồng Đào Tấn.
Phát huy tối đa Nhà hát Nghệ thuật truyền thống
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nhà hát trong thời kỳ mới là khai thác, phục vụ các vở tuồng, ca kịch bài chòi truyền thống, xây dựng vở mới; góp phần tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật tuồng Đào Tấn và ca kịch bài chòi Bình Định đến với công chúng”.
Để Nhà hát phát huy tối đa các điều kiện sẵn có, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật cho biết, sau khi nhận bàn giao, quản lý và vận hành, đơn vị sẽ tham mưu Sở VH&TT phối hợp Sở Du lịch triển khai kế hoạch liên kết các tour du lịch, lữ hành để thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến Nhà hát tham quan, kết hợp xem biểu diễn tuồng, ca kịch bài chòi.
Đồng thời, Nhà hát sẽ liên kết với các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử hình thành, phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi cho học sinh, bồi đắp niềm đam mê nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. Qua đó, giúp Nhà hát tạo được khán giả và tìm kiếm được tài năng trẻ để đào tạo, tạo lớp kế thừa phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống của quê hương.
AN NHIÊN