“Cú huých” từ hiện đại hóa nền hành chính
Hiện đại hóa nền hành chính công là yêu cầu bức thiết trong quá trình phát triển của toàn hệ thống chính trị, hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu chính Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14.10.2015 của Chính phủ “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Mở rộng kết nối
Đến nay, hạ tầng CNTT của hầu hết các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã đã được trang bị hoàn chỉnh, trong đó có trên 95% cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc; 100% cơ quan, đơn vị nhà nước có mạng nội bộ.
Khai trương bộ phận Một cửa hiện đại của UBND huyện Hoài Ân.
Đáng chú ý, hệ thống văn phòng điện tử (Idesk) đã được triển khai từ tỉnh xuống xã với 393/393 cơ quan, đơn vị tham gia và kết nối trên Trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn. Đến nay, tỷ lệ văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh đạt trên 95%; xử lý hồ sơ qua môi trường mạng đạt 73,5% (đối với cấp tỉnh).
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ với quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử giúp cho việc theo dõi, kiểm soát quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ được chặt chẽ hơn.
Ðến nay, có 105/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành và công bố việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong quản lý. 38/68 cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện việc chuyển đổi áp dụng ISO phiên bản TCVN 9001:2008 sang phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015.
Không chỉ ở các khối chính quyền, hệ thống mạng thông tin diện rộng của các cơ quan khối Đảng cũng được đầu tư, ngày càng mở rộng. Đến nay, có 34 điểm kết nối với 73 cơ quan, tổ chức đảng sử dụng, gồm: Tỉnh ủy, các ban của Tỉnh ủy, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các hội, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị, thành ủy và các ban của các huyện, thị, thành ủy.
Cục Chứng thư số và bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) cũng đã cấp phát 372 chứng thư số cho các tổ chức, cá nhân, các cơ quan đảng, đoàn thể trong tỉnh, trong đó có 276 chứng thư số cá nhân, 96 chứng thư số tổ chức.
Thuận tiện từ sự hiện đại
Bên cạnh đó, cổng Thông tin điện tử và Dịch vụ công của tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp và hoàn thiện, bảo đảm 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền được cung cấp trực tuyến. Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và “một cửa điện tử” cấp huyện, cấp xã được coi là bước đột phá về hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh; hướng tới sự thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng cho người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, quá trình hiện đại hóa nền hành chính công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Hạ tầng CNTT, nhất là tại nhiều địa phương cấp xã, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế. Việc ứng dụng CNTT chưa được đồng bộ giữa các cấp, ngành, gây khó khăn cho việc kết nối, tích hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin; hạn chế đến tính liên thông trong xử lý các công việc hành chính trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT.
Toàn tỉnh hiện có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến, trong đó có 285 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức 3 và 4. Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả. 100% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đã được cung cấp chữ ký số.
Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai “Hệ thống theo dõi chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh” đã góp phần quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh giao. Hệ thống này cũng đã được triển khai đến cấp huyện và mang lại lợi ích lớn.
“Phần mềm quản lý báo cáo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND huyện giao ngày càng thể hiện hiệu quả trong việc nâng cao tính chính xác, kịp thời đối với công tác tham mưu, chế độ thông tin, báo cáo của các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, thị trấn. Qua đó, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành tại các cơ quan, đơn vị, địa phương”, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện An Lão Lê Thị Thu Hằng cho hay.
MAI LÂM