Huyện Tây Sơn hỗ trợ nghệ nhân làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT:
Quan tâm tận tình, hướng dẫn chu đáo
UBND huyện Tây Sơn đã lập danh sách 3 nghệ nhân và gửi hồ sơ lên Sở VH&TT tỉnh để thẩm định, trình Hội đồng cấp Trung ương xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho nghệ nhân Hồ Văn Sừng và xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho 2 nghệ nhân Trần Dần và Bùi Văn Trinh. Cả ba hồ sơ đều được tỉnh đồng ý.
Ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, cho biết: Chúng tôi hết sức trân trọng các nghệ nhân và những đóng góp to lớn của họ với quê hương. Chính vì thế, căn cứ Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 22.10.2019 của UBND tỉnh về việc triển khai xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân Ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2021, sau khi xét chọn 3 nghệ nhân Hồ Văn Sừng, Trần Dần và Bùi Văn Trinh, Phòng VH-TT huyện tích cực phối hợp với các xã để tổ chức lấy ý kiến cộng đồng và đến tận nhà các nghệ nhân hướng dẫn, cung cấp mẫu phiếu, góp ý nội dung ghi chép, sớm hoàn thành hồ sơ.
Cán bộ xã Tây Vinh đang hướng dẫn gia đình đại võ sư Trần Dần viết hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT.
Đại võ sư, NNƯT Hồ Văn Sừng (còn có tên gọi khác là Hồ Sừng, SN 1938, ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận) có 69 năm thực hành, gìn giữ và đóng góp lớn cho di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định. Ông Nguyễn Hoàng Đồng, cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Bình Thuận, tự hào: “Đại võ sư Hồ Văn Sừng được Bộ VH-TT&DL tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa; được UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen do có đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ di sản. Năm 2015, ông được Nhà nước công nhận là NNƯT. Vì vậy, khi có chủ trương của tỉnh, huyện trong đợt xét duyệt trao tặng danh hiệu NNND, chỉ trong thời gian ngắn, xã đã hỗ trợ võ sư hoàn thành hồ sơ chính xác, đầy đủ”.
Đại võ sư Hồ Văn Sừng chia sẻ: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi biết mình được chọn để xét tặng danh hiệu NNND. Tôi cảm ơn chính quyền các cấp, cán bộ các ngành đã quan tâm, tận tình hướng dẫn chi tiết các bước, chỉ trong vài ngày gia đình tôi đã hoàn thành hồ sơ”.
Đại võ sư Trần Dần (SN 1937, ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh) có 45 năm thực hành và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định. Ông đã truyền dạy cho hơn 2.000 môn sinh, trong đó có nhiều học trò trở thành võ sư, HLV võ cổ truyền đang hoạt động tại địa phương và một số tỉnh, thành trong cả nước. Đại võ sư Trần Dần kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất An Vinh có truyền thống võ học, nên từ nhỏ đã được tiếp xúc và học hỏi bộ môn võ cổ truyền từ các bậc thầy. Năm 17 tuổi, tôi được thầy Hương Kiểm Mỹ (tên thật Đinh Hề) nhận làm học trò. Từ năm 1976, tôi mở võ đường tại nhà và nguyện tận hiến cả cuộc đời mình để gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của võ cổ truyền Bình Định”.
Với những đóng góp to lớn ấy, đại võ sư Trần Dần được đề nghị vinh danh và trao tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ông Huỳnh Văn Dũng, cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Tây Vinh, cho biết: “Theo chỉ đạo, hướng dẫn từ trước đây khá lâu của huyện, chúng tôi đã nắm toàn bộ thông tin liên quan đến đại võ sư Trần Dần. Nhờ vậy, khi có công văn chỉ đạo của Phòng VH-TT huyện, chúng tôi đến tận nhà hướng dẫn võ sư Trần Dần và người nhà làm các thủ tục, hoàn thành hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT. Cụ Trần Dần là niềm tự hào không chỉ của thôn An Vinh 1 mà còn là của cả xã Tây Vinh nên tại đợt lấy ý kiến trong dân, 100% người dân đã thống nhất đề nghị Nhà nước vinh danh cụ”.
Ngoài đại võ sư Trần Dần, đợt đề nghị xét tặng NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể còn có nghệ nhân Bùi Văn Trinh. Nghệ nhân Bùi Văn Trinh (còn gọi là Hoàng Trinh, SN 1961, ở thôn Trường Định 2, xã Bình Hòa) đã có 42 năm thực hành nghệ thuật hát bội và truyền dạy cho 20 học viên. Ông là một trong những nghệ nhân tiêu biểu ở địa phương vì khả năng biến hóa trong nhiều vai diễn trên sân khấu, lối trình diễn rất kịch tính, được nhiều khán giả ái mộ. Chính quyền xã Bình Hòa và người dân đã nhiệt tình giúp đỡ ông trong quá hình lập hồ sơ xét tặng danh hiệu NNƯT.
Nghệ nhân Bùi Văn Trinh chia sẻ: “Vì có niềm đam mê với nghệ thuật hát bội, đầu năm 1975, tôi bắt đầu học nghề từ NSƯT Tư Cá; sau đó tiếp tục học nghề từ NSƯT Trần Quang Hưng. Năm 1977, tôi bắt đầu tham gia vào các đoàn hát bội để tích lũy kinh nghiệm trình diễn, từ đó truyền dạy cho thế hệ trẻ”. Được biết, nghệ nhân Bùi Văn Trinh nổi tiếng với nhiều vai diễn trên sân khấu như: Lữ Bố (vở Tam Anh Chiến), Cao Hoài Đức (vở Trảm Trịnh Ân), Châu Du (vở Phó Hội)…
Được biết, để chủ động trong những đợt xét tặng danh hiệu, Phòng VH-TT huyện Tây Sơn đã lên sẵn kế hoạch, chuẩn bị mọi việc từ rất sớm. Ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và lập danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, hướng dẫn chính quyền địa phương, lên kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân hoàn thành hồ sơ”.
ĐÌNH PHƯƠNG - MINH THƯ