Một kỷ niệm với đồng chí Lê Duẩn
Hiện Bảo tàng tỉnh có lưu giữ chiếc gối rơm mà đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã sử dụng khi về dự hội nghị và lưu trú tại nhà dân ở khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, TX An Nhơn.
Theo Lịch sử Đảng bộ TX An Nhơn, cuối tháng 7.1954, tại thôn Bả Canh diễn ra hội nghị do Khu ủy 5 triệu tập để nghe đồng chí Nguyễn Duy Trinh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ vào truyền đạt Hiệp định Genève và chủ trương của Trung ương về chuyển hướng công tác ở miền Nam. Lúc đó, đồng chí Lê Duẩn (khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ) đã về dự.
Chiếc phản (hiện đang lưu giữ tại Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn) và chiếc gối kê đầu (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định) mà đồng chí Lê Duẩn từng sử dụng khi về Bình Định. Ảnh tư liệu
Khi về dự hội nghị, đồng chí Lê Duẩn được bố trí ở nhà bà Tô Thị Cán. Ông đã nghỉ trên chiếc phản gỗ và sử dụng chiếc gối rơm do chính tay bà Cán khâu. Cho đến nay, khi nhắc lại những ngày tháng này, người trong gia đình bà Cán và những người từng được gặp đồng chí Lê Duẩn đều rất đỗi tự hào và vinh dự.
Tuy nhiên, tại thời điểm đồng chí Lê Duẩn về dự hội nghị không ai được biết, kể cả người trong gia đình ông nghỉ lại cũng không biết khách của gia đình chính là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Lê Duẩn. Người có công phát hiện sự kiện đồng chí Lê Duẩn nghỉ tại nhà dân và đưa hiện vật liên quan về trưng bày tại bảo tàng là ông Nguyễn Hữu Nhơn (ở thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), nguyên Trưởng Ban bảo tồn, Phòng VH-TT TX An Nhơn.
Từng tham gia cách mạng, đi bộ đội, năm 1972, ông Nhơn và 41 đồng chí của Bình Định được tham gia tập huấn công tác Đảng, công tác chính trị và rèn luyện sức khỏe tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Đợt này, đích thân đồng chí Lê Duẩn, khi ấy là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đến thị huấn gần một ngày rưỡi. Tại đây, đồng chí Lê Duẩn ân cần quan tâm các đồng chí quê Bình Định, nhắc lại món bánh hỏi thịt heo và gởi lời thăm hỏi nhân dân Bình Định. Khi nhớ lại thời gian ấy, những người từng gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn không khỏi xúc động. Và cũng chính từ những thông tin ấy, sau năm 1975, ông Nhơn đã đi tìm hiện vật và tổ chức lưu giữ xứng tầm với kỷ niệm đồng chí Lê Duẩn với quê hương Bình Định.
THẢO YÊN