Lê Trọng Nghĩa sáng tạo với gỗ và sắt
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa vừa đạt giải nhì của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Vậy là sau 20 năm, Lê Trọng Nghĩa đã xác định cho mình một vị trí xứng đáng trong “làng điêu khắc” Việt Nam...
Nhà điêu khắc (NĐK) Lê Trọng Nghĩa SN 1970, lớn lên tại TX An Nhơn. Từ ấu thơ những hình khối kiến trúc, điêu khắc Champa đã trở nên gần gũi với anh. Lê Trọng Nghĩa kể: Năm 19 tuổi, tôi theo thầy Sáu Bê ở gần nhà để học nghề tạc tượng Champa. Những hình khối căng - tròn - đầy và màu thời gian phủ trên bề mặt những bức tượng cổ có ảnh hưởng lớn đến cảm xúc và ý tưởng các tác phẩm nghệ thuật của tôi sau này.
Vì nhiều lý do, mãi đến năm 1997, Nghĩa mới tính đến việc nâng cấp chuyên môn cho bài bản, và ngay ở lần thi đầu tiên anh đã đậu vào khoa Điêu khắc Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Chính những năm tháng học đại học đã giúp Nghĩa “ngộ” ra một điều: Nghệ thuật phải là sự sáng tạo chứ không phải là sao chép hiện thực, càng không phải là lối tư duy cóp nhặt, nhái lại như đục tượng Champa từng làm.
NĐK Lê Trọng Nghĩa (bên phải) trong một lần dự trại sáng tác quốc tế.
Năm 2002, tốt nghiệp đại học, Lê Trọng Nghĩa vào TP Hồ Chí Minh làm việc một thời gian rồi từ năm 2006 anh về công tác ở Trường CĐ Bình Định. Có một điểm rất đáng lưu ý, ngay từ khi còn là sinh viên, Nghĩa đã có tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên (khu vực V, năm 1999) và có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 2000. Kết quả, đến năm 2011, Lê Trọng Nghĩa được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Có nhiều thành công nhất định nhưng điểm nổi trội ở NĐK này là anh không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đồng thời triển khai việc này hết sức bài bản, nghiêm túc. Chính vì vậy, đến năm 2012, anh tiếp tục theo học cao học ngành Nghệ thuật Thị giác tại Trường ĐH Mahasarakham, Thái Lan. Đây là giai đoạn giúp Nghĩa xác lập cái nhìn mới về nghệ thuật đương đại và hình thành phong cách của riêng mình.
Hơn 10 năm nay, NĐK Lê Trọng Nghĩa đã tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật và được mời tham gia một số trại sáng tác quốc tế, đồng thời được trao nhiều giải thưởng cấp khu vực, quốc gia. Đáng kể nhất là năm 2013, tác phẩm Ký ức trong miền bao bọc của Lê Trọng Nghĩa xuất sắc đạt giải B (không có giải A) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V và đạt Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - 2013. Năm 2015, tác phẩm Tương tác đoạt giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực V; năm 2016 tác phẩm Ống ngầm đạt giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực V. Sau liên tiếp 2 giải khuyến khích, đến năm 2017, Lê Trọng Nghĩa đã trở lại với phong độ cao khi tác phẩm Trên từng lát cá của anh đạt giải B (không có giải A) Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (mở rộng 12 tỉnh)... Điểm đáng lưu ý là tất cả các tác phẩm thu hút nhiều nhất sự chú ý của công chúng ký tên Lê Trọng Nghĩa đều có chất liệu gỗ + sắt với nhiều cách xử lý sáng tạo.
Mới đây, tác phẩm Chuỗi mộng (chất liệu gỗ + sắt) của Lê Trọng Nghĩa đã xuất sắc đạt giải B Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - 2020 và đạt giải nhì (không có giải nhất) Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - 2020. Nghĩa cho biết: “Tôi thai nghén Chuỗi mộng đã lâu. Lâu nay tôi vẫn thường nghĩ về chiếc gối cả trong niềm hạnh phúc lẫn nỗi cô đơn… Sau những trăn trở - áp lực - muộn phiền của đời sống, chiếc gối như ru dịu đời mình. Mỗi khi nhìn thấy chiếc gối tôi có cảm xúc rất đặc biệt cả về phương diện tạo hình, thông điệp mình sẽ ký thác. Lúc đầu tôi thể nghiệm làm hình tượng một cái cây bám vào chiếc gối. Nhưng nếu chỉ dừng lại bấy nhiêu đó thì chưa đủ đem lại một bố cục ấn tượng và thật ra vẫn chưa gói hết thông điệp tôi muốn truyền tải. Sau nhiều lần phát triển thêm hình tượng, thay đổi tỷ lệ kích thước, điều chỉnh bố cục chi tiết, cuối cùng tôi đã có một tác phẩm sắp đặt thể hiện được ý tưởng của mình.
Theo Lê Trọng Nghĩa, anh tiếp tục chọn chất liệu gỗ + sắt để thực hiện tác phẩm là bởi gỗ dung dị, mộc mạc biểu hiện được cái ngàn năm, sắt mạnh mẽ, dứt khoát, biểu hiện sự vươn lên, sự phát triển, chiếm lấy, phá hủy... Ở một khía cạnh khác, sự tương tác trong quá trình hàn sắt trên bề mặt gỗ đã đem lại hiệu quả xúc cảm thị giác riêng biệt.
Chuỗi mộng đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam mua để lưu giữ tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại. Đặc biệt, Lê Trọng Nghĩa là một trong số ít NĐK 2 lần có tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam mua tác phẩm để lưu giữ (năm 2013 là tác phẩm Ký ức trong miền bao bọc)... Lê Trọng Nghĩa tâm sự: Nghệ thuật tạo hình có muôn nghìn ngõ lối. Để thành công phải dũng cảm dấn thân. Cần khẳng định một lối đi riêng cho mình. Không vay mượn, bắt chước cảm xúc người khác. Giá trị của một tác phẩm tạo hình ngoài tính thẩm mỹ còn ở tính tiên phong - cá biệt hình thức, bút pháp, kỹ thuật…
VIẾT HIỀN