“Một chữ nghìn vàng”
Mấy ngày qua, nhân câu chuyện “11 chữ hơn 10 tỷ đồng”, không ít người đùa rằng: “Một chữ gần 1 tỷ, đáng giá thật. Nhưng so với người xưa thì chưa ăn thua gì”. Vậy, với người xưa, một chữ đáng bao nhiêu? Thưa rằng, đáng giá những nghìn vàng. Thật vậy, điều này bắt nguồn từ một thành ngữ, cũng là điển cố trong tiếng Hán là “nhất tự thiên kim”.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, vào đời Tần, Lã Bất Vi tập hợp môn khách soạn sách Lã thị Xuân Thu. Soạn xong, cho treo ở quốc môn, bảo ai có thể thêm, bớt một chữ sẽ được thưởng nghìn vàng (đời Tần, 1 kim = 1 dật = 22 hoặc 24 lượng vàng. Đời Hán, 1 kim = 1 cân vàng). Đương thời Lã Bất Vi là Thừa tướng, quyền thế nghiêng trời lệch đất, sách Lã Bất Vi cũng không phải là kém, nên rốt lại chẳng ai dám bước ra biên tập sách. Từ đó, câu nói trên trở thành điển để chỉ văn tự tinh luyện có giá trị rất cao.
Cũng là phần thưởng nghìn vàng, trong tiếng Hán có điển/thành ngữ “nhất tiếu thiên kim”. Thơ Lý Bạch có câu: Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim (một nụ cười người đẹp đổi nghìn vàng). Theo sách Đông Chu liệt quốc chí, U vương nhà Tây Chu nổi tiếng hiếu sắc, để có được một nụ cười của người đẹp không cười - Bao Tự, đã hạ ý chỉ phàm ai khiến Bao hậu cười, sẽ được thưởng nghìn vàng. Vì nghe theo kế của Quắc Công, U vương được như ý và giữ đúng lời hứa (thưởng họ Quắc nghìn vàng) nhưng làm mất lòng các nước chư hầu, về sau bị diệt vong. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã chuyển dịch rất hay điển “nhất tiếu thiên kim” để nói về… “độ chịu chơi” của chàng Thúc: Thúc sinh quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
Tương tự, tiếng Hán có câu “nhất phạn thiên kim” (phạn: [bát] cơm) chỉ lòng biết ơn, gắn với chuyện Hàn Tín thuở hàn vi được Phiếu mẫu cho cơm. Đây là nguồn gốc của các điển “bát cơm nghìn vàng”, “bát cơm Phiếu mẫu” trong văn chương trung đại nước ta.
Từ chỗ chỉ số lượng cụ thể, “thiên kim” hay “nghìn vàng” dần được dùng theo nghĩa ước lệ, thậm xưng để chỉ giá trị vô cùng lớn, không thể đong đếm được, như trong cách nói thiên kim tiểu thư, một khắc nghìn vàng, chữ trinh đáng giá nghìn vàng, đêm xuân đáng giá nghìn vàng…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ