Nhiều hình thức động viên học tập
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 281/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 448/QÐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam, các mô hình học tập ở gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng của Bình Ðịnh ngày càng nhân rộng và hiệu quả. Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, Bình Ðịnh có 24 mô hình được Trung ương Hội tặng bằng khen.
Mọi người đều học
Tuy mỗi mô hình khuyến học có đặc điểm, cách hoạt động khác nhau nhưng tựu chung đều giúp con cháu học tập tốt, người lớn làm việc hiệu quả hơn.
Để triển khai thực hiện mô hình cộng đồng học tập, từ năm 2016, UBND phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, đơn vị và cộng đồng.
Trong 24 mô hình của Hội Khuyến học Bình Định được Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen, có 3 mô hình gia đình học tập, 3 mô hình dòng họ học tập, 13 mô hình cộng đồng học tập và 5 mô hình đơn vị học tập.
Ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc, chia sẻ: Đầu tiên, UBND xã, Hội Khuyến học có văn bản ký kết với các hội - đoàn thể, các ngành, trường học… và phân công trách nhiệm cho từng đơn vị. Do đó, không chỉ hỗ trợ tiền mặt, quà tặng, phường còn có nhiều hình thức khuyến khích khác như tặng góc học tập, heo đất, xe đạp. Đồng thời, giáo viên Trường THCS Tam Quan Bắc dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh nghèo, cận nghèo; Đoàn phường nhận đỡ đầu 21 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến cấp THPT; tổ chức khám bệnh miễn phí cho trẻ mầm non; học sinh khuyết tật được giúp đỡ chi phí đến trường. Ngoài ra, lớp học thường xuyên dành cho lao động địa phương cũng luôn đông học viên. Đến nay phường đã tổ chức được các lớp, như: Chuyển giao kỹ thuật đánh bắt cá biển, chế biến hải sản, bảo vệ biển đảo chống vi phạm lãnh hải nước ngoài, học thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản...
Tương tự, bà Dương Thị Yến, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học Chi cục Thuế huyện Hoài Ân (huyện Hoài Ân), cho biết: Công tác khuyến học không chỉ tập trung cho các cháu trong độ tuổi đi học mà tất cả mọi người, phù hợp với từng lứa tuổi, công việc. Hội viên trong đơn vị lần lượt được bố trí các lớp học, tập huấn để nâng cao chuyên môn. Con em, thành viên của Chi cục đạt kết quả học tốt đều được khen thưởng.
Không chỉ cố gắng cho các con học hành, vợ chồng ông Đoàn Văn Thọ (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) còn chủ động làm gương khi nỗ lực học tập cái mới. Ông Thọ chia sẻ: Vì gia đình khó khăn, tôi luôn nghĩ làm thế nào để thoát nghèo bền vững. Chúng tôi cố gắng cho các con học hành chu đáo, ba mẹ đua cùng con trong học tập. Cần gì thì học nấy, chúng tôi học để tiếp thu và áp dụng các tiến bộ KHKT vào cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất. Giờ đây, 6 đứa con của tôi đã có việc làm ổn định.
Cùng niềm vui với ông Thọ, ông Trần Hữu Lợi (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) hay ông Nguyễn Văn Nhị (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) cũng bày tỏ vui mừng khi kể về các con của mình. Tất cả đều học tập tốt, biết cố gắng vươn lên.
Tạo động lực cho con cháu
Mô hình dòng họ học tập trên toàn tỉnh đã được duy trì nhiều năm. Bên cạnh phần thưởng của trường, lớp, phần thưởng của dòng họ thật sự là niềm vui lớn đối với nhiều em. Em Bùi Ngọc Tuyết Ngân, học sinh lớp 6, Trường THCS Đập Đá (phường Đập Đá, TX An Nhơn), chia sẻ: “Hàng năm em rất mong chờ tới ngày trao thưởng của dòng họ, không chỉ hãnh diện vì được khen thưởng, em còn thấy vui mừng khi được gặp gỡ và nghe các anh chị chia sẻ về cách học tập tốt”.
Ông Bùi Xuân Được, Bùi Đình Thoại (Ban Khuyến học dòng họ Bùi ở khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, TX An Nhơn) thăm hỏi cháu Bùi Ngọc Tuyết Ngân vào đầu năm học mới.
Ông Bùi Đình Thoại, đại diện Ban Khuyến học dòng họ Bùi ở khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, cho hay: Quỹ học bổng của dòng họ thành lập từ năm 2014, với mong muốn tạo phong trào để các cháu phấn đấu học tốt. Ban đầu, chúng tôi trích quỹ để trao thưởng, phần còn lại cho bà con dòng họ cần vay để tạo vốn cho những năm sau. Hiện tại, quỹ khuyến học của dòng họ có 155 triệu đồng, chúng tôi gửi ngân hàng 130 triệu, hằng năm chỉ lấy phần lãi và có thể góp thêm để trao thưởng.
Ông Bùi Xuân Được, Ban Khuyến học dòng họ Bùi, cho biết thêm: Để tạo động lực, chúng tôi chỉ trao thưởng cho các cháu đạt học sinh giỏi, các cháu đạt giải học sinh giỏi các cấp, sinh viên đại học chính quy. Dù vậy, những cháu còn lại chúng tôi vẫn thăm hỏi động viên. Nhờ cách tạo quỹ bền vững như vậy, chúng tôi tin quỹ học bổng sẽ được duy trì tốt.
Thành lập ban khuyến học khá sớm, dòng họ Phạm ở thôn Thế Thạnh (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) có nhiều hình thức động viên, đến nay dòng họ không có học sinh bỏ học giữa chừng, kết quả học tập tốt hơn. Ông Phạm Trung Tánh, đại diện Ban Khuyến học dòng họ Phạm, chia sẻ: Ban Khuyến học dòng họ thành lập từ năm 2004, lúc đó có 15 hội viên, qua quá trình vận động, đến nay đã có 30 hội viên. Mỗi năm Ban Khuyến học sinh hoạt 2 lần, lần 1 vào dịp tảo mộ ông bà vào ngày 8 tháng Chạp, lần 2 vào ngày 30.5 âm lịch, sau ngày giỗ ông cao. Thời điểm này trúng dịp hè, con cháu về đông đủ để tham dự Lễ tuyên dương, khen thưởng của dòng họ. Cứ vậy, bao năm nay, hoạt động này đã thành lệ, trở thành niềm mong chờ của con cháu cũng như chúng tôi.
THẢO KHUY