Bộ Giáo dục sẽ sửa thông tư, quy định cụ thể hơn về sách tham khảo
Năm học mới 2020-2021 mới bắt đầu được một tháng nhưng Bộ GD&ĐT đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo để triển khai các hoạt động trong các nhà trường. Đây là thông tin được Bộ GD&ĐT cho hay trong buổi họp báo thường kỳ quý III được cơ quan này tổ chức chiều 30.9.
Bộ GD&ĐT thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: PV)
Chấn chỉnh ngay các vấn đề nóng
Ngay trong những ngày đầu năm học mới đã có hàng loạt các vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận xã hội như các vụ tai nạn khiến học sinh thương vong, tình trạng lạm thu, nhà trường bán sách giáo khoa "trà trộn" sách tham khảo.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho hay trước thực trạng trên, bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu, tình trạng mất an toàn trường học, tình trạng giới thiệu sách tham khảo (kèm theo danh mục sách giáo khoa) tại một số cơ sở giáo dục.
Cụ thể, ngày 27.8, Bộ ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021. Theo đó, về học phí, bộ đề nghị hội đồng nhân dân cấp tỉnh thống nhất quy định mức học phí cụ thể phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.
Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.
Về đảm bảo an toàn trường học, bộ đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, bộ đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh. Địa phương tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão. Từ đó, các tỉnh lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.
Sẽ sửa thông tư về sách tham khảo
Trước tình trạng thiếu sách giáo khoa xảy ra tại một số địa phương và vẫn còn một số cơ sở giáo dục giới thiệu sách tham khảo, kèm theo danh mục sách giáo khoa gây bức xúc trong dư luận đầu năm học mới, ngày 8.9, bộ đã có văn bản về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, bộ yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.
Bộ cũng yêu cầu các sở trực thuộc tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cũng theo ông Nam, để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, bộ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Mặt khác, bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Ông Trần Quang Nam cho hay trong quý III, bộ đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật trong thẩm quyền; công bố 17 dự thảo văn bản để lấy ý kiến góp ý nhân dân. Trong số đó, nhiều văn bản quan trọng, có tính “bước ngoặt” như Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học; Thông tư ban hành điều lệ trường tiểu học; Thông tư ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học; dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh trong các trường phổ thông thay thế thông tư đã ban hành cách đây 32 năm…
Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện (như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa) để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 năm học 2020-2021 và chuẩn bị triển khai với lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021-2022.
Cụ thể, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2, bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định 33 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 của 4 nhà xuất bản.
Đối với lớp 6, bộ đã nhận được 43 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh.
Hiện nay, việc thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng một. Các nhà xuất bản đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Dự kiến, thẩm định vòng hai sẽ hoàn thành vào cuối tháng Mười đối với lớp 2 và trung tuần tháng 11 đối với lớp 6.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)